Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong phát biểu qua truyền hình - Ảnh chụp màn hình SCMP
Thông báo trên được trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), đưa ra ngày 4-9 trong một bài phát biểu đã ghi hình trước bằng tiếng Anh và tiếng Quảng Đông, phát lại qua truyền hình địa phương.
"Liệu Hong Kong vẫn còn là một nơi an toàn? Những gì diễn ra trong hơn 2 tháng qua đã khiến nhiều người sốc. Liên quan tới 5 yêu cầu mà người biểu tình đưa ra, tôi vốn đã tuyên bố sẽ ngừng dự luật và nói rằng dự luật đã chết" - báo South China Morning Post dẫn lại tuyên bố của bà Carrie Lam.
Bà Carrie Lam tuyên bố chính quyền Hong Kong "chính thức rút lại dự luật để hoàn toàn làm lắng dịu những lo ngại của công chúng".
Trước đó, hồi tháng 7, bà Carrie Lam cho biết dự luật dẫn độ gây nhiều tranh cãi trên "đã chết". Tuy nhiên, thời điểm đó, tuyên bố này vẫn chưa đủ thuyết phục người biểu tình. Người biểu tình yêu cầu bà phải tuyên bố chính thức rút lại dự luật thay vì sử dụng ngôn từ theo kiểu "chơi chữ" như vậy.
Họ tiếp tục xuống đường biểu tình nhiều tuần qua, có thời điểm kéo tới tàu điện ngầm và sân bay, và thậm chí diễn ra các cuộc đụng độ có tính bạo lực với cảnh sát.
Kể từ đó, phía Bắc Kinh liên tục chỉ trích hành động của người biểu tình. Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau của Trung Quốc thậm chí gọi hành vi của người biểu tình giống như "khủng bố".
Dự luật dẫn độ gây tranh cãi ở Hong Kong - Nguồn: SCMP
Bà Carrie Lam cho biết dự luật sẽ được rút lại một khi Hội đồng lập pháp Hong Kong triệu tập lại vào tháng 10 tới. Việc tuyên bố chính thức rút lại dự luật trong ngày hôm nay 4-9 đã đáp ứng 1 trong 5 yêu cầu của người biểu tình với chính quyền Hong Kong.
Các yêu cầu còn lại gồm: rút lại từ "bạo loạn" để mô tả các cuộc biểu tình; thả tất cả người biểu tình bị bắt; mở cuộc điều tra độc lập ở cấp cao nhất về sự can thiệp của cảnh sát vào các cuộc biểu tình; quyền bỏ phiếu phổ thông trong các cuộc bầu cử chọn trưởng đặc khu và cơ quan lập pháp thành phố vào năm 2020.
Bà Lâm nói rằng: "Thật ra, chúng tôi đã phản ứng với các yêu cầu này trong nhiều dịp khác nhau".
Nhà lãnh đạo Hong Kong bày tỏ mong muốn người biểu tình từ bỏ các hành động bạo lực và tiến hành đối thoại với chính quyền.
"Hãy thay thế các cuộc xung đột bằng đối thoại và cùng tìm giải pháp. Chúng ta phải tìm cách giải quyết sự bất mãn trong xã hội" - bà Carrie Lam nói.
Dự luật sửa đổi có tên "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự" sẽ cho phép Hong Kong dẫn độ các nghi phạm tới những nơi mà hiện Hong Kong không có thỏa thuận dẫn độ, trong đó có Trung Quốc đại lục.
Bà Lâm từng khẳng định dự luật trên cần thiết để bịt kín các lỗ hổng pháp lý. Tuy nhiên, giới chỉ trích lo ngại dự luật này sẽ cho phép Trung Quốc đại lục làm suy yếu quyền tự trị của Hong Kong và mở đường để Bắc Kinh nhắm tới các đối tượng bất đồng quan điểm chính trị.
Sau nhiều năm nằm dưới chế độ thuộc địa của Anh, Hong Kong chính thức được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997.
Trung Quốc đồng ý cai quản Hong Kong theo nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ". Đặc khu này được phép duy trì các cơ quan chính trị và tư pháp riêng biệt trong 50 năm sau đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận