Theo trang Scitech Daily, dự án do tiến sĩ Michael Rivera - nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện ATLAS và Khoa khoa học máy tính Đại học Colorado Boulder - dẫn đầu.
Thông qua phương pháp in 3D, ông Rivera và các đồng nghiệp đã sử dụng bã cà phê, nước và một số thành phần bền vững khác để tạo ra nhiều sản phẩm thân thuộc như trang sức, chậu trồng cây và thậm chí cả ly cà phê espresso.
Các sản phẩm sau in 3D sẽ khô lại và cứng như bê tông không gia cố.
Nhóm đã trình bày những phát hiện của mình tại hội nghị về thiết kế của Hiệp hội máy tính tại Pittsburgh. Họ cho biết kỹ thuật tái chế bã cà phê của mình khá đơn giản và có thể hoạt động trên hầu hết dòng máy in 3D giá rẻ dành cho người tiêu dùng.
Đối với Rivera, dự án là một phần trong sứ mệnh của ông nhằm làm cho công nghệ in 3D trở nên gần gũi với đời sống hơn, cho phép các nghệ sĩ, nhà thiết kế, kỹ sư và nhiều người khác nhanh chóng tạo ra các vật dụng mà không cần vứt bã cà phê vào thùng rác.
Theo chia sẻ của Rivera, sáng kiến nghiên cứu này bắt đầu từ một quán cà phê.
Khi còn là sinh viên tại Đại học Carnegie Mellon, Rivera thường làm việc tại một quán cà phê ở Pittsburgh. Quán ký hợp đồng với một nhóm cư dân địa phương để họ thu gom bã cà phê về làm phân bón.
Nhưng trong đại dịch COVID-19, mọi thứ bị ngưng trệ, bã cà phê bắt đầu chất đống. Với ý nghĩ "phải làm cái gì đó" với đống bã cà phê, Rivera bắt đầu tìm tòi và từng bước đi tới nghiên cứu trên.
Rivera giải thích rằng hầu hết các máy in 3D tiêu dùng trên thị trường hiện nay đều in bằng một số loại nhựa dẻo, phổ biến nhất là acit polylactic (PLA). Về mặt lý thuyết, vật liệu nhựa có thể phân hủy được, nhưng nó sẽ mất tới 1.000 năm để phân hủy.
Vì vậy, nghiên cứu của họ có thể giải quyết hai bài toán cùng một lúc: giảm rác thải nhựa và bã cà phê.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận