06/08/2014 06:29 GMT+7

Ba bước của Manila

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Chưa bao giờ Hội nghị ngoại trưởng ASEAN (AMM) và Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) lại khai diễn trong bối cảnh gay cấn như lần này.

Đây là một bối cảnh khá đặc biệt của ASEAN. Indonesia đang bận rộn với những khiếu nại hậu bầu cử, nên e rằng không rảnh để đóng vai trò “nhà trung gian” và “đầu tàu ngoại giao” như những lần trước, bắt đầu từ Hội nghị hòa bình Paris về Campuchia 1991 cho đến Thông cáo chung ASEAN năm ngoái, sau những trục trặc trước đó ở Phnom Penh đang xoay như chong chóng. Sự xoay như chong chóng này e rằng sẽ còn mạnh hơn, thậm chí ngả nghiêng, sau khi đảng đối lập của Sam Rainsy nay đã đồng ý tham gia nghị trường. Thái Lan, đang trong thời kỳ chuyển tiếp “hậu Thaksin”, cũng bị khuyến dụ ngả nghiêng theo chiều đó với Campuchia. Còn Malaysia, sau hai thảm họa MH370 và MH17, không còn mấy tâm sức để có thể lộ ra một thái độ dứt khoát nào.

Trong bối cảnh đó, Philippines phải tự cứu mình bằng “Kế hoạch ba bước” sẽ giới thiệu kỳ này:

1/ Đình chỉ ngay các hành động và tranh cãi gây căng thẳng.

2/ Thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). 3/ Thành lập một cơ chế hòa giải.

Bước thứ nhất của kế hoạch 2014 này (ngừng gây căng thẳng) cho thấy Manila đã rút kinh nghiệm rất nhiều từ đề xuất năm 1995 của cựu tổng thống Fidel Ramos là phi quân sự hóa biển Đông. Thật ra làm sao đòi phi quân sự hóa biển Đông khi mà Trung Quốc nóng mũi với vụ eo biển Đài Loan! Cũng năm 1995 đó, Philippines phát hiện bãi đá Mischief (bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) bỗng dưng hóa thành một tiền đồn trên biển của Trung Quốc cho dù chỉ trước đó hơn hai năm, Trung Quốc vừa ký kết DOC với ASEAN.

Suốt từ đó đến nay có bao giờ biển Đông được phi quân sự hóa đâu, DOC có được tuân thủ đâu mà nay lại hi vọng kế hoạch “Ba bước” mới này sẽ được lắng nghe? Có vẻ như thực tế đầy bi quan, nhưng Philippines vẫn đưa ra kế hoạch này vì đây chính là lợi ích quốc gia. Lợi ích quốc gia chỉ có một cho dù lãnh đạo quốc gia có là ai chăng nữa.

Có thể thấy đề xuất “Ba bước” của Manila là một đòn tấn công ngoại giao. Không lẽ bác bỏ mời gọi ngưng căng thẳng này để mang tiếng là một nhà nước “bắt nạt”? Còn hai bước sau, thực thi DOC và tiến tới một cơ chế hòa giải, với Manila được thêm thì quá tốt! Chủ yếu là làm sao “mượn” Diễn đàn ARF này với đủ mặt anh hào “mời” đối phương thôi mang tàu bay, tàu chiến, tàu cá ra “gây căng thẳng” và đạt chừng đó cũng đủ sống còn rồi.

Dường như đó là điều mà vài nước khác trong ASEAN cũng mong muốn và đánh tiếng tán thành như có thể thấy qua bài xã luận của báo Bangkok Post (ngày 5-8) của Thái Lan: “Manila, Hà Nội và Bắc Kinh đang nợ khu vực những đảm bảo mạnh mẽ rằng những đối đầu chính trị của các nước ấy sẽ không bao giờ lóe lên thành những xung đột quân sự. Kế hoạch hành động ba bước của Philippines đáng được mọi bên xem xét thành khẩn. Song ASEAN cùng các thân hữu của mình cũng phải nghiêm chỉnh trong việc thiết lập một nền tảng hòa bình cho việc giải quyết các tranh chấp đối đầu”.

Nếu ở ARF “Kế hoạch ba bước” này được tiếp nhận, đây sẽ là cái phao cứu sinh vào lúc mạnh ai nấy bơi!

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên