"Tôi lên mạng, vô các hội nhóm dân Gò Công, hỏi chỗ nào thiếu nước rồi tìm nước sạch, thuê xe bồn chở về tặng tận nơi", chị Trần Ngọc Thiên Kim (32 tuổi, quận 6, TP.HCM) chia sẻ.
"Nhìn bà con khổ sở, tôi không chịu nổi"
Vượt gần 100km từ TP.HCM về huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đúng 9h sáng, chị Kim với bụng bầu cùng xe bồn chở 20m3 nước ngọt đầu tiên "cập bến" ấp 6, xã Tân Phước.
Đây là một trong những khu vực đang chịu tác động nặng nề của hạn mặn. Kênh rạch cạn dòng, đồng khô cỏ cháy, nguồn nước ngọt khan hiếm trầm trọng khiến cuộc sống người dân khốn đốn.
Tại những điểm "Nước sạch miễn phí", xe nước của chị Kim dừng lại để châm đầy vào các cụm bồn 5-6 cái đã được chuẩn bị sẵn. Đây là nơi tập kết nước ngọt để bà con mang can đến rút nước về dùng.
Ông Nguyễn Văn Bình (58 tuổi, xã Tân Phước, Gò Công Đông) hai tay xách hai can nhựa loại 20 lít. Ông vừa đi nhanh về phía bồn nước, vừa nói với chị Kim: "Cô coi đường lộ lớn vậy chứ chưa có nước máy, năm nào hạn mặn là bà con chỉ còn biết trông chờ những xe nước từ thiện như vầy".
Trong lúc chờ chị Kim châm nước vào bồn, ông Bình kể tiếp: "Ở đây bao năm qua đều xài nước sông, uống nước mưa. Năm nay hạn sớm nên các cống đều đã đóng để ngăn mặn. Nước ngọt thiếu trầm trọng, nói mấy cô đừng cười chứ 3 ngày rồi tôi chưa dám tắm".
Giữa trưa, chị Kim ở tháng cuối thai kỳ vẫn cười toe toét chào bà con rồi xông xáo tìm xe ba gác để chở những bồn nước nhỏ vào sâu trong miệt xa cho người già.
"Hôm nay tôi có tổng cộng 4 xe bồn chở 80m3 nước sạch về đây chia đều cho bà con một ấp. Có bao nhiêu bồn chứa, bình chứa là tôi đều châm nước vào hết, từ ngoài đường lớn vô hẻm nhỏ. Xe nước vào được tới đâu là tôi châm đầy tới đó", chị vui vẻ kể. Người dân càng lúc càng tấp nập đến các bồn để lấy nước miễn phí về sử dụng. Ai cũng vui khi nghe tiếng máy bơm nước từ xe bồn từ thiện...
Chị Kim, bà bầu 8 tháng, hớp vội ngụm nước, tự giải khát giữa trưa nắng nóng rồi cười nói: "Quan trọng là mình tìm được nguồn nước sạch và chịu thêm chi phí vận chuyển về tận nơi cho bà con. Nếu kêu nước ở miền Tây thì chi phí đâu đó tầm 3,6 - 4,5 triệu đồng cho 40m3 nước, nhưng vì muốn kiểm tra được chất lượng nước nên tôi quyết định chở từ TP.HCM về với chi phí trọn gói là 4,5 triệu đồng cho mỗi xe 20m3 nước".
Chị Kim vừa mất chồng vì bị tai nạn, nếu không thì những chuyến đi thiện nguyện thế này vợ chồng đã kề vai sát cánh. Như cách đây vài năm trong đại dịch, vợ chồng chị đã đồng hành cùng TP.HCM với những bình oxy miễn phí, những suất ăn 0 đồng hay những túi nhu yếu phẩm phát tận nhà người dân vùng cách ly. Và hiện nay, bếp ăn từ thiện của chị vẫn đỏ lửa hằng tuần.
Cùng nhau vượt qua mùa khô hạn
Huyện ven biển Gò Công Đông (Tiền Giang) là địa phương đầu tiên ở miền Tây công bố tình trạng khẩn cấp do xâm nhập mặn. Thời gian qua, nước cũng từ khắp nơi "chảy" về những con đường heo hút ở các xã Tân Phước, Tân Điền, Kiểng Phước để giúp hàng ngàn hộ dân.
Ngoài các cụm bồn đặt tại nhiều điểm tập kết nước sạch miễn phí hay các bể chứa nước đã được bà con xây sẵn, hiện nước sạch còn được bà con trữ trong các "ao dã chiến". Những chiếc ao được đào xuống đất và trải bạt cao su xuống đáy để ngăn thấm nước, làm nơi trữ thêm nước sạch khi các bồn và bể chứa đã đầy.
Hơn 19h, bà bầu Kim thấm mệt, mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn vui vẻ nói: "Khi hết chỗ châm nước, tôi sẽ bơm luôn vào ao dã chiến cho bà con. Lượng nước này ưu tiên sử dụng trước vì nắng nóng, ao nước rất hao hụt do bay hơi. Nếu có thêm bồn mới hay dư bể chứa, bà con có thể lấy nước từ ao châm ngược lại vào bồn. Cứ thế mà xoay xở nước qua mùa hạn!".
Ông Lê Ngọc Hùng (53 tuổi, xã Tân Phước) vừa chuyền dây bơm nước vào "ao dã chiến" vừa nói: "Qua nay 80 - 90m3 nước chưa xài gì mà nắng nóng rút đi mấy tấc rồi đó. Làm cái ao này không tốn nhiều tiền, người góp của người góp công. Coi vậy chứ từ đây tới khuya bà con xúm nhau gánh về hết sạch".
Trời tối, bà con lao động đi làm về càng đông, đua nhau mang can nhựa ra rút nước miễn phí chở về nhà. Tiếng nói cười hòa cùng tiếng máy bơm nước rôm rả như ngày mùa.
Dẫu trong cảnh khó, bà con vẫn không mất đi nét vui vẻ từ bao đời. "Giờ nước chảy ào ào chứ sáng lại là ao hồ, bồn bể gì cũng được lấy cạn đáy hết trơn! Thôi ráng qua mùa hạn này, ít bữa trời mưa xuống là đỡ khổ" - bà Trần Thị Hên, 57 tuổi, vừa kéo ống rút nước vào miệng can nhựa, vừa cười nói.
Gần đó, bà Lê Thị Lắm, 63 tuổi, cũng đã chất hai can nước 40 lít lên chiếc xe đạp cũ kỹ: "Giờ chở nước về pha sữa, nấu cháo cho thằng cháu ngoại ở nhà, tới sáng hết nước thì trưa lại có xe nước từ thiện tới châm vào".
Khi xe bồn cạn nước cũng là lúc tình người với người được đong đầy. Và khi chiếc xe bồn cuối cùng hoàn thành việc chở nước giúp người, lăn bánh rời đi cũng là lúc chị Kim vui vẻ thu dọn đồ đạc về lại TP.
Cho đi để chuyện buồn của mình vơi đi
Đưa tay xoa bụng bầu, chị Trần Ngọc Thiên Kim trải lòng: "Không ai nghĩ mọi biến cố nó lại quá lớn với tôi như vậy, kiểu hôm qua tôi còn trò chuyện vui vẻ với chồng, bàn về những chuyến đi thiện nguyện cùng với nhau thì hôm sau tôi cũng mất luôn ba của con tôi.
Trước đó ba tôi mất, tôi còn chưa xả tang thì chồng tôi mất, nên bây giờ tôi mà buồn là tôi làm từ thiện hà! Cái cảm giác được cho đi sẽ làm cho chuyện buồn của mình vơi đi một ít, từ đó mà vững chãi và biết trân trọng cuộc sống hơn!".
Chị Kim tâm sự với chúng tôi, dẫu thế nào đi nữa thì chị cũng phải sống tiếp và sống tốt vì cô con gái sắp chào đời. Mọi chuyện từ từ rồi sẽ qua...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận