19/03/2018 11:10 GMT+7

Ba bài học quý nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải để lại cho thế hệ sau

PGS.TS VŨ MINH KHƯƠNG
PGS.TS VŨ MINH KHƯƠNG

TTO - PGS.TS Vũ Minh Khương - giảng viên Trường chính sách công Lý Quang Diệu, ĐH Quốc gia Singapore - viết cho Tuổi Trẻ những điều ông tâm đắc nhất về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Ba bài học quý nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải để lại cho thế hệ sau - Ảnh 1.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải (phải) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) tại kỳ họp Quốc hội năm 2004 - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Với vị trí đứng đầu chính phủ trong những năm đầy thử thách và cơ hội, Thủ tướng Phan Văn Khải đã làm được những điều vô giá mà thế hệ sau chắc sẽ không bao giờ quên.

Những đóng góp lớn

Đó là mạnh dạn đưa Việt Nam tham gia hội nhập với việc ký kết Hiệp định Thương Mại Việt Nam -Hoa Kỳ vào năm 2000 và chỉ đạo hoàn tất việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đó là việc chỉ đạo để Việt Nam nắm bắt mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghệ thông tin. Với việc Internet được chính thức triển khai năm 1997, Việt Nam, từ một nước chịu thiệt thòi rất nhiều do nghèo nàn và cô lập về thông tin, đã nhanh chóng vượt qua nhiều nước trong khu vực và trở thành một quốc gia năng động hàng đầu trong nắm bắt cuộc cách mạng này.

Đó là, luật doanh nghiệp được chính thức bắt đầu soạn thảo vào năm 1998 và ra đời năm 1999. 

Theo các chuyên gia tham gia, ban soạn thảo luật dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Phan Văn Khải muốn biến luật này thành luật chung sử dụng thống nhất cho cả khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước, xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử với thành phần kinh tế tư nhân.

Luật doanh nghiệp được coi là một cải cách đột phá; nó đã góp phần giúp Việt Nam nhanh chóng trở thành một nền kinh tế năng động nhờ sự phát triển nhanh và sống động của khu vực kinh tế tư nhân.

3 bài học lớn

Có lẽ Thủ tướng Phan Văn Khải là hiện thân truyền lại 3 bài học lớn cho thế hệ sau, đặc biệt là những người có cương vị cao trong chính quyền.

Bài học thứ nhất là thấy trọng trách mà mình được Đảng và Nhà nước giao là việc rất khó và là món nợ lớn với dân. Ông luôn trăn trở và lắng nghe địa phương, chuyên gia để tìm lời giải từ thực tế và lý luận.

Người dân đến viếng ông Sáu Khải lúc đêm khuya

Tôi được tham gia một số cuộc gặp với ông khi còn công tác ở Hải Phòng và tinh thần mọi cuộc họp đều toát lên lòng tâm huyết và sự chí tình. Đặc biệt, khi lãnh đạo Hải Phòng lên gặp Chính phủ báo cáo đề án thành lập đặc khu kinh tế vào năm 1997, ông dành nhiều thời gian lắng nghe, trao đổi.

Bài học thứ hai là dùng người hiền tài. Những người được Thủ tướng Phan Văn Khải trọng dụng như Phó thủ tướng Vũ Khoan, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, các thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng như Trần Đức Nguyên, Trần Việt Phương, Phạm Chi Lan, Lê Đăng Doanh... đều là những người ưu tú về cả tâm và tầm.

Tôi có may mắn được làm việc với những vị tinh hoa này và thấu hiểu tại sao Việt Nam vẫn phát triển dù khó khăn và thách thức đến đâu.

Bài học thứ ba là ý thức học hỏi. Thủ tướng Phan Văn Khải đặc biệt coi trọng góp ý của nhóm chuyên gia Harvard do ngài Thomas Vallely và TS David Dapice đứng đầu.

Việc gặp gỡ nhóm này khá thường xuyên, giúp ông có cái nhìn sắc bén, khách quan về những thách thức và cơ hội trên lộ trình phát triển của Việt Nam. Trong chuyến thăm Mỹ năm 2005, Harvard là một trong những điểm tiếp xúc quan trọng trong lộ trình của ông.

Trong cuộc đời, ai rồi cũng đi vào dĩ vãng. Thế nhưng có những người, dù rất bình dị và khiêm tốn, có thể để lại những kỷ niệm khó phai mờ nhờ có cái TÂM rất lớn với đồng bào và Tổ quốc của mình. Thủ tướng Phan Văn Khải là một con người như vậy.

Đội sương khuya đến viếng ông Sáu Khải lúc 0h

TTO - Đến tận rạng sáng ngày 19-3, nhiều người dân vẫn lặng lẽ đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại nhà riêng ở xã Tân Thông Hội, Củ Chi, TP.HCM.

PGS.TS VŨ MINH KHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên