29/12/2022 10:08 GMT+7

Bà Ba Thi - người 'góp lửa' đổi mới - Kỳ cuối: Thương dân thì dân thương lại

QUỐC VIỆT - MẠNH DŨNG
QUỐC VIỆT - MẠNH DŨNG

Sự hiểu biết, đồng cảm với tình cảnh khó khăn của bà con và quyết liệt hành động vì họ của bà Ba Thi càng được người dân thương quý.

Bà Ba Thi - người góp lửa đổi mới - Kỳ cuối: Thương dân thì dân thương lại - Ảnh 1.

Bà Ba Thi vui vẻ bên các cháu ngoại - Ảnh gia đình cung cấp

"Dì Ba Thi như mẹ tôi. Mỗi lần tôi ghé, dì đều ân cần hỏi han bây ăn cơm chưa, ăn ba hột ở đây luôn nghe. Rồi khi về thế nào dì cũng cho túi quà, lần thì bọc gạo, khi là nải chuối, mớ cá khô. Mà không chỉ riêng tôi, các anh em khác đều được dì thương như thế", nhắc nhớ về bà Ba Thi, ông Nguyễn Văn Xích, cựu cán bộ Công ty Lương thực TP.HCM, vẫn ngân ngấn nước mắt xúc động. Người mà ông và nhiều bạn bè luôn xem như mẹ mình...

Dập cơn sốt gạo

Đồng cảm tâm sự này, bà Nguyễn Thị Kim Anh, một đồng nghiệp cũ của ông Xích, cũng nói lời chân tình: "Dì Ba Thi như người mẹ mà tôi đã học được rất nhiều điều để sống ở đời. Đó là lòng thương yêu, quan tâm đến người khác. Tấm lòng của người mẹ, người chị luôn cho đi, chứ không nghĩ về mình. Mới ngoài 30 tuổi, chồng dì là ông Nguyễn Trọng Tuyển đã thành liệt sĩ. Dì giữ trọn lời thề sống vậy nuôi con và cống hiến tất cả cho kháng chiến. Nhiều năm gần gũi dì Ba, tôi cảm nhận dì đã xem nhân dân là gia đình, đất nước là mái nhà của mình rồi".

Có một chuyện mà những người trong cuộc còn nhớ mãi là khoảng giữa năm 1983, TP.HCM bị cơn sốt gạo. Giá gạo chợ tăng lên từng ngày, mỗi ký từ tăng thêm 50 xu, ngày hôm sau đã lên 1 đồng, rồi 5 đồng, 7 đồng. Người dân gặp khó khăn, chính quyền thành phố cũng hết sức lo lắng. 

Bà Ba Thi - người góp lửa đổi mới - Kỳ cuối: Thương dân thì dân thương lại - Ảnh 2.

Gương mặt nhân hậu của bà Ba Thi - Ảnh gia đình cung cấp

Bà Ba Thi họp với Thành ủy và các sở ngành tài chính, ngân hàng, lương thực đều chung nhận định gạo thời điểm đó không còn khan hiếm nữa, bởi đã đưa được gạo từ miền Tây về số lượng lớn và đặt trạm thu mua ổn định ở các tỉnh lúa. Nguyên nhân chính là tin đồn thất thiệt "thành phố hết gạo, kho lương trống rỗng". Tin đồn này bắt đầu từ các chợ rồi lan nhanh ra.

Chính quyền thành phố và bà Ba Thi quyết tâm phải ngăn chặn cơn sốt gạo này. Hơn ai hết bà hiểu trong tình cảnh bộn bề khó khăn ngày đó, giá gạo tăng 50 xu hay 1 đồng, 2 đồng cũng ảnh hưởng nặng nề đến chén cơm người dân. Buổi sáng, bà chạy ra các nơi bán gạo mà rớt nước mắt, nhìn các bà mẹ, người vợ lo lắng cân đong từng ký gạo lẻ về lo miếng ăn gia đình.

Vừa yêu cầu các trạm thu mua tăng cường chở thêm gạo từ miền Tây về, bà Ba Thi vừa cho nhanh chóng mở kho đổ đầy ắp hơn 2.300 đại lý gạo rải khắp thành phố và giá vẫn không tăng thêm một đồng nào. Thị trường nhanh chóng chuyển biến, tâm lý lo lắng "hết gạo" của người dân giảm hẳn. 

Bà Ba Thi nói với chị em bán gạo ở các đại lý: "Cứ thẳng thắn nói đúng sự thật với bà con lúc này không còn thiếu gạo nữa đâu, nếu bà con bị đói cứ gõ cửa chính quyền, gọi bà Ba Thi chịu trách nhiệm". Đặc biệt, bà còn cho mở đại lý lớn bán gạo đúng giá ngay trong và kế bên các chợ gạo lan truyền tin sốt thất thiệt như chợ Trần Chánh Chiếu. Giá gạo hạ xuống ngay trong một vài ngày.

Nhiều năm đã qua, ông Nguyễn Văn Xích vẫn nhớ như in kỷ niệm khó quên này: "Chiều đó, dì Ba đội nón lá, quấn khăn rằn, mặc cái áo bà ba sờn rách tay, tìm gặp tụi tôi đang làm khâu phân phối gạo đúng giá đến bà con. Dì cười rất tươi nói: "Tụi bây làm tốt lắm, giá gạo hạ rồi, bà con đỡ khổ rồi. Thành phố khen công ty, dì khen tụi bây". Thấy dì Ba cười rạng rỡ sau những ngày căng thẳng, anh em ai cũng cười theo. Nồi cơm đầy vơi của người dân cũng chính là nồi cơm của từng cha mẹ già, vợ con anh em trong công ty".

Sự hiểu biết, đồng cảm với tình cảnh khó khăn của bà con và quyết liệt hành động vì họ của bà Ba Thi càng được người dân thương quý. Như chính cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trả lời nhà nghiên cứu Đặng Phong: "Đấy chính là lòng dân, thương dân thì dân thương lại".

Những việc làm của bà Ba Thi thu phục được lòng dân, nên khi Công ty Lương thực cần thêm vốn để tăng khả năng cung ứng gạo cho thành phố, đã được dân ủng hộ ngay. Đồng bào đã góp vốn vào Quỹ tiết kiệm mua lương thực do công ty sáng lập. Hàng trăm ngàn lượt người tham gia góp quỹ cả 100.000.000 đồng, như quận Bình Thạnh góp 7.500.000 đồng, quận 11 góp 20.000.000 đồng... Đến đầu năm 1985, công ty đã mở được 2.690 đại lý bán gạo lẻ ở các tổ dân phố, 791 đại lý lớn ở các chợ, 329 gian hàng với hệ thống kho chứa trên 200.000 tấn cùng đội tàu xe tải trọng 6.000 tấn. Đặc biệt, làm nhiệm vụ cung ứng lương thực giá cả hợp lý cho hơn 4 triệu người dân thành phố, công ty vẫn nộp được ngân sách 600.000.000 đồng ngay từ năm khó khăn 1981 và nhanh chóng tăng lên gần 2.000.000.000 đồng năm 1984...

Bà Ba Thi - người góp lửa đổi mới - Kỳ cuối: Thương dân thì dân thương lại - Ảnh 3.

Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh về thăm Công ty Lương thực TP.HCM và lắng nghe kinh nghiệm thực tiễn từ bà Ba Thi - Ảnh gia đình cung cấp

Góp phần cho đổi mới thành công

Từ thành công trong việc lo miếng ăn cho người dân thành phố bằng hạt gạo, bà Ba Thi cũng đã bàn với chính quyền thành phố cho phép tiến thêm một bước là mở rộng sang lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm. Sau khi đã hết đói, người dân cũng cần có miếng ăn ngon, miếng ăn tiện lợi như bánh mì, bánh kẹo, bún khô, hủ tiếu. Rồi Xí nghiệp mì ăn liền Colusa ra đời, nhà máy xay xát gạo Satake, đặc biệt còn xây dựng cả nhà máy lọc dầu mini đầu tiên ở Cát Lái...

Năm 1986 lịch sử mở ra cánh cửa đất nước đổi mới, bà Ba Thi được tin tưởng bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VIII. Hành trang bà ra họp Quốc hội là cả đội xe tải chở theo bột mì, lò nướng và hơn 20 người có tay nghề làm bánh mì, bánh ngọt thơm ngon phục vụ đại hội và người dân Hà Nội. Tất cả những việc làm của bà Ba Thi và chính quyền TP.HCM như "xé rào" chạy gạo cho nồi cơm mấy triệu dân đều trở thành một trong những cơ sở thực tiễn quan trọng góp phần cho công cuộc đổi mới thành công.

Bà Ba Thi - người góp lửa đổi mới - Kỳ cuối: Thương dân thì dân thương lại - Ảnh 4.

Bà Ba Thi lên bìa báo quốc tế - Ảnh gia đình cung cấp

Ông Nguyễn Văn Quang, cựu cán bộ Công ty Lương thực TP.HCM, kể các lãnh đạo cấp cao vào làm việc ở TP.HCM đều có những buổi đi tham quan thực tế và trò chuyện cởi mở, thẳng thắn với bà Ba Thi, từ ông Trường Chinh, Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng... 

Họ cần nghe thực tiễn đời sống, tâm tư, nguyện vọng của người dân, cũng như những việc làm dám mạnh dạn "xé rào" đi trước mà hiệu quả, có lợi cho dân, cho nước. Thời buổi bao cấp, còn đan xen nhiều nhận thức cũ và mới, bà Ba Thi cũng bị không ít ý kiến này nọ như dám làm khác chính sách, quy định của Trung ương, nhưng hiệu quả thực tế và lòng dân thương quý đã chứng minh bà đúng. 

Vừa lớn lên ở nông thôn Trà Vinh, bà đã dấn thân ngay vào hai cuộc kháng chiến khốc liệt nên không được may mắn học nhiều ở trường lớp, nhưng bà lại được học ở ngôi trường rất lớn khác, đó là LÒNG DÂN.

Ngày 1-2-1988, tuần báo TIME nổi tiếng của Mỹ đã có hẳn một bài dài viết: "Bà Nguyễn Thị Ráo tức bà Ba Thi là một trong những điển hình ngoạn mục nhất của sinh lực kinh tế đang nảy nở tại Việt Nam. Ở tuổi 65, vốn đã nổi tiếng là chiến sĩ của bưng biền bởi tính bộc trực, trí thông minh và sự nhạy cảm, bà hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh lương thực... 

Lúc tôi đến nơi thì bà đang đứng trước một tấm bản đồ lớn của TP.HCM, trên đó chi chít những bóng điện đánh dấu những địa điểm cung cấp gạo, không khác gì bản đồ mà một vị tướng sử dụng trong chiến dịch quân sự. Chỉ khác là ở đó, không phải những điểm đối đầu mà là những điểm bà xây dựng để phục vụ người dân mua gạo. Năng lực, kiến thức, lòng quả cảm và khả năng quản lý hiếm có là những đức tính đặc biệt của người phụ nữ này...".

Hạt gạo đến từ xa, xa lắm

Mồ hôi tuôn thao thức dặm đường dài

Con chim tha mồi ngày đêm vẫn bay

Trong giông bão mười năm không mỏi cánh

Những đôi cánh vỗ trời xanh lấp lánh

Ngày chông chênh... hạt gạo sáng vô cùng

Chén cơm này đâu phải Nàng Hương

Cơm gạo điểm sao thơm tho ngào ngạt

Bao mái tóc vì chén cơm đã bạc

Con chim tha mồi bay cho quê hương

(Trích bài thơ của nhà thơ Viễn Phương tặng bà Ba Thi và ngành lương thực TP.HCM
năm 1986)

Bà Ba Thi - người Bà Ba Thi - người 'góp lửa' đổi mới - Kỳ 4: Hạt gạo miền Tây vun đầy chén cơm thành phố

Bà Ngô Thị Huệ, phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, đã có những lời nhận xét chân tình về đồng đội, người bạn trải suốt hai cuộc kháng chiến đến thời đất nước vượt qua khó khăn đổi mới:

QUỐC VIỆT - MẠNH DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên