Bà Ba Thi đã trình bày trực tiếp với ông Lê Duẩn thực tế đời sống và nguyện vọng của nhân dân - Ảnh gia đình cung cấp
"Cô Ba Thi mà buôn lậu cái gì"
Ban đầu, tổ có 8 người mà chính bà Ba Thi là tổ trưởng, những người còn lại chủ yếu là chị em Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM. Bà Ba Thi lúc này tuổi đã gần 60, người gầy gò, mái tóc sớm bạc trắng nhưng vẫn thức khuya, dậy sớm, lót lòng củ khoai để đi tìm mua lúa gạo ở miền Tây.
Vừa bước ra hai cuộc kháng chiến khốc liệt, bà lại lao vào góp sức giúp thành phố giải quyết những bộn bề khó khăn thời hậu chiến như lo miếng cơm manh áo cho người dân...
Nhắc nhớ bà Ba Thi, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tâm sự rằng ông rất thương quý người mà ông luôn thân thiết gọi là dì. Ông đã hiểu rõ những đức tính tốt đẹp như biết thương người, tận tâm lo cho người của bà Ba Thi từ thời còn chiến tranh.
"Hồi còn chiến tranh, có lần tôi được tham gia một đại hội cùng dì Ba Thi. Thấy anh em bệnh tật, ốm yếu, dù hoàn cảnh lúc đó khó khăn thế nào, dì cũng ráng lo thêm cho mọi người chút phần ăn, chút sữa, chút đường. Tấm lòng dì như người mẹ, người chị ruột thịt.
Sau này, đất nước thống nhất gặp nhiều khó khăn, dì vẫn tấm lòng đó, lo lắng, sẻ chia cho anh em, đồng bào. Những việc làm của dì dù âm thầm hay cả chương trình lớn như chạy gạo cho TP.HCM đều là tiền đề góp phần quan trọng cho đổi mới", ông Nguyễn Minh Triết xúc động tâm sự.
Trở lại thời kỳ khó khăn năm 1977, tổ thu mua lúa gạo của bà Ba Thi nhanh chóng phát huy hiệu quả, giúp nồi cơm người dân thành phố được đầy thêm. Thời ngăn sông cấm chợ, bà về Hậu Giang, sang An Giang, xuống Minh Hải (Cà Mau - Bạc Liêu ngày nay) đều nhanh chóng mua được gạo chở về TP.HCM.
Lúc ấy tàu xe, đường sá đều còn rất kém, đặc biệt là các trạm kiểm soát bị người dân gọi "như ông trời con" bít đường khắp nơi, nhưng bà Ba Thi cùng tổ thu mua của mình vẫn đi qua được, thậm chí qua được hàng trăm trạm giăng khắp các quốc lộ, tỉnh lộ. Ngoài giấy giới thiệu của Thành ủy và Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM, bà Ba Thi còn có một "giấy đi đường" rất lớn khác đó là uy tín của bà.
Tham gia cách mạng từ năm 1940, bà Ba Thi từng trải nhiều cương vị, nhiệm vụ quan trọng từ miền Tây đến miền Đông Nam Bộ, Sài Gòn - Gia Định, nên rất nhiều cán bộ địa phương đến lãnh đạo cấp cao đều thân quý bà, coi bà như chị em, vì họ hiểu rõ tấm lòng trung kiên, tận tụy vì dân, vì nước của bà.
Có ý kiến nói tổ thu mua của bà là "tổ buôn lậu", các vị như ông Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, kể cả ngoài Trung ương như ông Lê Duẩn, Trường Chinh đều nói "Ba Thi mà buôn lậu cái gì, cổ có cái gì cũng muốn đem hết cho người khác".
Nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết có giai đoạn làm phó chủ tịch UBND TP.HCM cùng thời với bà Ba Thi, kể: "Chị Ba là người phụ nữ rất đặc biệt, vì miếng cơm manh áo của người dân mà dám đi đầu "xé rào", nhận lãnh trách nhiệm về mình.
Mà trách nhiệm rất khó khăn, nguy hiểm thời kỳ quan liêu bao cấp đó có thể là đúng, nhưng cũng có thể là sai phạm, tù tội. Nhiều người hiểu và rất quý tinh thần dám làm dám chịu của chị".
Về miền Tây thu mua lúa gạo, bà Ba Thi tận dụng kinh nghiệm đi sâu sát và dựa vào nhân dân, đặc biệt là hội phụ nữ. Ở Hậu Giang, bà Bảy Minh Châu, hội trưởng phụ nữ tỉnh, trực tiếp cầm máy xuồng Koler đưa chị em tổ thu mua luồn lách mương rạch nhỏ về tận các ruộng đồng.
Ở Bạc Liêu, bà Út Bình, hội trưởng phụ nữ tỉnh, cũng dẫn tổ đi đến tận nhà dân. Việc thu mua lúa gạo đa số là thuận lợi, nhưng cũng có những bất ngờ buồn. Một buổi sáng, ghe đến chợ Búng Tàu, Phụng Hiệp thì hết xăng. Các chị lội xuống kênh đẩy ghe và kiếm xăng châm thêm. Máy ghe nổ lại, chai xăng còn dở bất ngờ bị đổ gây cháy ghe.
Chị Út Đèo tiếc số tiền 5.000 đồng cất trên ghe để mua lúa gạo, nên cố lao vào lấy và bị bỏng nặng, qua đời sau đó. Sự mất mát bất ngờ làm ai cũng buồn thương. Bà Ba Thi cố nén lòng, kêu gọi chị em vượt qua, lấy sự hy sinh của chị Đèo làm tấm gương, để sớm mang gạo về cho nồi cơm hàng triệu người dân thành phố đang chờ.
Tổ thu mua của bà Ba Thi về miền Tây mua gạo cho TP.HCM - Ảnh gia đình cung cấp
Hàng thành phố đổi gạo miền Tây
Sau thời gian thanh toán bằng tiền mặt, tổ thu mua lúa gạo của bà Ba Thi đối diện với vấn đề mới phát sinh. Cuộc đổi tiền làm sức mua mất giá nặng nề, trong khi nông dân miền Tây có tiền cũng không dễ mua được nhiều loại hàng hóa thiết yếu thời kỳ đó như dầu lửa, thuốc tây, vải vóc...
Hiểu rõ vấn đề này, bà Ba Thi đề nghị Thành ủy và UBND TP.HCM cho phép hàng đổi hàng, đưa hàng hóa thành phố xuống để đổi gạo miền Tây.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, cán bộ văn phòng Công ty Lương thực TP.HCM, kể ngay chuyến đầu tiên tổ thu mua đã chở xuống 200.000 lít dầu lửa ở Bạc Liêu và Cà Mau để đổi gạo. Có chuyến họ chở về mấy chuyến xe tải thuốc men của Xí nghiệp số 5 để chất đầy hội trường Sở Lương thực Minh Hải, rồi có chuyến chở hàng trăm ngàn mét vải...
Chín điểm mua bán, đổi hàng lấy gạo được rải khắp các vùng Trần Văn Thời, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Hồng Dân, Giá Rai ở hai tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau ngày nay. Nông dân vui vẻ đến những nơi này như đi chợ tết.
Đặc biệt, năm 1978, miền Tây bị lụt nặng, nhấn chìm các vựa lúa Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An... Bà Ba Thi đã nhanh nhẹn tổ chức thu mua lúa giống nơi khác để chở về các địa phương này sau khi nước rút.
Từng là nông dân nghèo ở Trà Vinh và gắn bó với nông dân suốt hai cuộc kháng chiến, bà hiểu đồng bào khi bị hụt nồi cơm, có thể ăn lẹm vào lúa để dành gieo mạ. Việc chở ngược lúa giống về miền Tây sau lụt lớn vừa có ý nghĩa thiết thực đảm bảo mùa vụ mới, vừa nghĩa tình đền đáp bao chuyến tàu xe đầy ắp gạo dưới này chở lên vun đầy nồi cơm người dân thành phố...
Thời kỳ đó, có một chuyện nhỏ nhưng lại là vấn đề lớn là lúa gạo được các bác tài tàu xe chở về từ miền Tây hay bị thất thoát dọc đường. Bà Ba Thi đã họp họ lại để nghe trình bày nguyên nhân. Sau đó, bà hỏi thẳng: "Các em có làm chủ tàu xe của mình không?".
"Tàu xe của chúng tôi thì chúng tôi phải làm chủ được chứ", họ cũng trả lời thẳng. "Vậy các em phải có trách nhiệm làm chủ luôn hàng hóa chở trên phương tiện của mình, không để thất thoát, không cần bộ đội áp tải nữa", bà Ba Thi nói thêm sẽ áp dụng thưởng - phạt.
Xe tải chở gạo 6 tấn có thể được hao hụt 50kg. Nếu hao dưới mức này thì tài xế sẽ được thưởng tiền đúng bằng lượng gạo dư ra sau khi trừ lượng thất thoát cho phép, còn hao trên mức đó sẽ bị phạt.
Từ đấy, bà Ba Thi đã chấm dứt được hẳn nạn "rơi vãi" gạo dọc đường...
Tiền đề thực tiễn của đổi mới
Hầu hết các chuyến bà Ba Thi về miền Tây mua lúa gạo đều thuận lợi nhưng cũng có những chuyến gặp khó khăn. Đó là thời buổi còn ngăn sông cấm chợ, một số chính quyền, cán bộ địa phương đã coi tổ thu mua lúa gạo này chính là "tổ buôn lậu".
Ông Nguyễn Văn Quang, cán bộ Công ty lương thực TP.HCM, kể sau đó những chuyện này được bà Ba Thi trình bày đầy đủ lại cho các ông Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng nắm rõ tình hình.
Nguyên nhân chính làm tắc nghẽn lưu thông hàng hóa, nơi người dân phải thiếu đói, nơi lúa gạo chất đầy bồ mà không thể chuyển đến được người có nhu cầu. Đây chính là một trong những cơ sở thực tế, là tiền đề bức xúc từ nhân dân để đi đến quyết định xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, đổi mới thành công.
****************
"Phải coi bà con như cha mẹ, anh chị của mình. Hạt gạo mình đưa đến bà con là trách nhiệm, là đền ơn đáp nghĩa, chứ không phải ban phát, hách dịch".
>> Kỳ tới: Gạo miền Tây vun đầy nồi cơm thành phố
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận