Phóng to |
Bà Trần Ngọc Sương kiểm tra tình hình nuôi cá tại ao nuôi của công ty - Ảnh: Chí Quốc |
“Năm năm qua là những tháng ngày trải nghiệm cực kỳ ý nghĩa đối với tôi. Tự tay tôi làm những hũ dưa kiệu, dưa hành, dưa món, dưa tai heo... đặc sản của miền Tây chào bán cho bạn bè, người dân Sài Gòn để tích cóp tiền chi tiêu và trả tiền thuê nhà trọ. Tôi đã mày mò nghiên cứu cho ra đời trên 20 sản phẩm từ trái cây, rau củ quả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu” - bà Sương mở đầu câu chuyện.
Trái cây “Cô Ba Sương”
“Tôi vốn là con nhà nông nên rất trăn trở khi nhiều năm qua nông dân miền Tây và miền Đông Nam bộ làm ra nhiều sản phẩm nông sản, trái cây ngon nhưng gặp khó trong khâu tiêu thụ. Gia đình đứa em tôi cũng đang có một xưởng sản xuất chế biến hàng nông sản ở Đồng Nai nhưng cứ hoạt động ì ạch vì không có sản phẩm mới đạt chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường. Không thể khoanh tay ngồi nhìn, mình phải tìm cách hỗ trợ nông dân vừa cứu xưởng sản xuất của gia đình” - bà Sương chia sẻ.
Ý tưởng của bà sau đó được cả gia đình ủng hộ, bà vay mượn thêm bạn bè được gần 300 triệu đồng chi vào việc lo chi phí đi lại, nghiên cứu thị trường, tìm nguyên liệu. Mất gần một năm ngồi xe đò ngược xuôi từ TP.HCM về miền Tây, lên các tỉnh miền Đông, ra tận Phan Rang, Ninh Thuận, bà tìm hiểu thị trường, gặp nông dân tổ chức đặt hàng mua nguyên liệu.
Bà Ba Sương nhận ra rằng lâu nay doanh nghiệp và thương lái khi mua các loại trái cây của nông dân thường chú trọng hình thức bên ngoài, chọn loại bóng đẹp về đóng thùng để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, ít có doanh nghiệp chú trọng đầu tư cho khâu chế biến sản phẩm.
Trong khi đó, nhiều bà con nông dân chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên trái cây tới mùa thu hoạch không đồng đều về ngoại hình, kích cỡ, màu sắc nên thường bị thương lái chê, bán không được giá. Đây chính là “nút thắt” mà nếu tận dụng tốt cơ hội này đẩy mạnh khâu chế biến, đa dạng hóa sản phẩm sẽ có hiệu quả kinh tế.
Bà Ba Sương cam kết với bà con nông dân rằng loại trái cây, rau củ quả nào là “hoa hậu”, thương lái mua giá cao thì bà con cứ bán cho họ, số còn lại “xấu xí, xù xì” thì bán cho bà.
Bởi theo bà, thực tế có những loại trái cây của VN dù hình dáng bên ngoài xấu xí nhưng chất lượng bên trong rất ngon. Bà đưa người đến tận từng hộ dân đặt hàng, tổ chức mua rồi chở về nhà máy tại Đồng Nai chế biến. Các loại trái cây có mẫu mã đẹp thì mua về xuất tươi, loại bên ngoài xấu xí xù xì đưa về nhà máy chế biến thành dạng đông lạnh, đóng hộp, muối mặn, sấy khô...
Khi có nguồn nguyên liệu dồi dào và sản phẩm đã có thể xuất khẩu được sang thị trường một số nước khu vực châu Á, bà Ba Sương liền nghĩ ngay đến việc phải làm thương hiệu cho sản phẩm của mình.
Bằng kinh nghiệm làm thương hiệu cho các sản phẩm của Nông trường Sông Hậu trước đây và nhờ sự giúp sức của một số bạn bè có kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu hàng nông sản, cuối năm 2012 hơn 20 sản phẩm rau củ quả (dưa chua, dưa mặn, chôm chôm, xoài, chanh dây, bắp hạt, bắp non đóng hộp...) do bà mày mò nghiên cứu làm ra đã được Cục Sở hữu trí tuệ VN cấp giấy chứng nhận thương hiệu độc quyền “Cô Ba Sương”.
Ngày 25-7-2013, bà thành lập công ty TNHH chế biến hàng nông sản mang tên Ba Sương ở TP.HCM, với mong muốn đi xa hơn nữa trong lĩnh vực mà bà lên nhiều kế hoạch với bao dự định tốt đẹp.
Thách thức mới
Đầu tháng 8-2013, bà Ba Sương nhận được tin Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Sông Hậu - nơi bà và cha ruột của mình là ông Trần Ngọc Hoằng gầy dựng - gặp khó khăn, chủ tịch HĐQT cũ làm đơn xin từ nhiệm...
Biết bà là người có kinh nghiệm, các thành viên HĐQT Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Sông Hậu đề cử bà về hỗ trợ, tái cấu trúc công ty với vai trò là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm quyền giám đốc.
Hay chuyện bà được mời về tham gia điều hành công ty này sẽ đối mặt với vô vàn khó khăn, mọi người trong gia đình ai nấy đều khuyên: “Cô Ba đã lớn tuổi rồi, nghỉ ngơi cho khỏe, đừng về đâm đầu vào chỗ khó khăn mà đổ bệnh”.
Thế nhưng, bà vẫn có quyết định cho riêng mình. “Công ty này là do cha tôi và tôi lập ra nuôi sống nó từ nhiều năm qua, bây giờ gặp khó khăn, các anh em trong HĐQT ngỏ lời mà mình cũng buông xuôi luôn thì không đành. Cứu công ty cũng chính là cứu bà con nông dân nên tôi quyết định tạm dừng việc kinh doanh ở TP.HCM về Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Sông Hậu” - bà Sương kể.
Bà Sương đón xe đò về Cần Thơ. Ngày 13-8, bà được bầu giữ chức chủ tịch HĐQT kiêm quyền giám đốc Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Sông Hậu. Bà bắt tay vào rà soát các khâu từ kinh doanh, kế hoạch sản xuất, đối chiếu các khoản nợ nần, hàng tồn kho.
“Công ty có một bộ máy khá hoàn chỉnh với trên 800 cán bộ, công nhân, nhiều người khá giỏi, tâm huyết đã gắn bó với nhau nhiều năm nay, có sẵn vùng nuôi với diện tích 140ha của công ty cổ phần thủy sản... Nếu tái cơ cấu, sản xuất đa dạng sản phẩm, tôi tin công ty sẽ vượt qua khó khăn” - bà Sương tính toán.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay công ty cần tháo gỡ là phải trả khoản nợ tiền bán cá của dân. Công ty đã cố gắng giải phóng lượng hàng tồn kho để trả bớt một phần cho dân, nhưng muốn giải quyết dứt khoản nợ này buộc phải có sự hỗ trợ của ngân hàng.
“Nếu được các ngân hàng và nhà đầu tư hỗ trợ, công ty sẽ giải quyết hết nợ cho dân trong năm nay, mong bà con chia sẻ để tôi lo. Bằng kinh nghiệm thực tiễn quản lý của mình trước đây và hiện nay, tôi sẽ quyết tâm tìm cách vực dậy công ty. Đây là tâm huyết của tôi và cũng là thực hiện di nguyện của cha tôi khi còn sống, không để công ty phá sản. Khi công ty đi vào ổn định trở lại, tôi sẽ tìm anh em trẻ tuổi hơn giao lại để anh em điều hành kinh doanh” - bà Sương nói.
4 năm dông bão Bà Trần Ngọc Sương sinh năm 1949, công tác tại Nông trường Sông Hậu từ năm 1981, đến năm 2000 được bổ nhiệm giữ chức giám đốc nông trường. Cũng trong năm 2000, bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời đổi mới. * Tháng 4-2008: Công an TP Cần Thơ khởi tố vụ án “lập quỹ trái phép”, khởi tố bị can đối với bà Trần Ngọc Sương. * Tháng 8-2009: TAND huyện Cờ Đỏ xử phạt bà Sương 8 năm tù tội “lập quỹ trái phép”, buộc bồi thường thiệt hại cho nông trường hơn 4,3 tỉ đồng và phạt các đồng phạm khác từ 1 năm 6 tháng tù đến 6 năm tù. * Tháng 11-2009: TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm tuyên y án 8 năm tù với bà Sương. * Tháng 5-2010: TAND tối cao ra quyết định hủy bản án đã tuyên với bà Sương, yêu cầu điều tra lại. * Ngày 21-2-2011: Công an TP Cần Thơ hoàn tất kết luận điều tra mới về vụ án. * Ngày 19-1-2012: Viện KSND TP Cần Thơ công bố quyết định đình chỉ vụ án “lập quỹ trái phép” ở Nông trường Sông Hậu. * Ngày 9-2-2012: Bà Sương được khôi phục sinh hoạt Đảng. |
* Ông Võ Thành Thống(phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ): “Việc chị Ba Sương (bà Trần Ngọc Sương) về làm quyền giám đốc Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Sông Hậu, UBND TP có biết và đây cũng là chuyện bình thường. Về vấn đề công ty nợ tiền bán cá của người dân, UBND TP đã chỉ đạo Sở Kế hoạch - đầu tư yêu cầu và công ty đã cam kết thời gian, lộ trình trả nợ cho dân mới cấp giấy công nhận người đại diện mới của công ty và chị Ba Sương có cam kết, văn bản gửi người dân. Cơ quan chức năng cũng đã động viên bằng cách này cách khác công ty phải ưu tiên xử lý nợ cho dân. Chính quyền TP luôn mong muốn công ty sớm phục hồi, phát triển để có thể trả nợ cho dân và giải quyết việc làm cho người lao động”. * Ông Nguyễn Văn Tiến(cán bộ Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Sông Hậu): “Tôi biết cô Ba Sương về đây là thực hiện tâm huyết, gầy dựng lại mô hình của bác Năm (ông Năm Hoằng, cha bà Trần Ngọc Sương) ngày trước. Tôi thấy cô đã cố gắng hết sức trong thời gian về đây, nhưng có cái khó là công ty đang gặp khó khăn quá. Tuy nhiên, nếu được sự hỗ trợ của tập thể cán bộ công nhân viên và đặc biệt là của người dân mà công ty nợ tiền mua cá thì tôi nghĩ dưới sự lãnh đạo của cô Ba Sương, công ty cũng sẽ vượt qua được”. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận