29/06/2012 14:48 GMT+7

Bà Aung San Suu Kyi "chuẩn bị cho tương lai"

TẤN KHOA (AFP, NYT)
TẤN KHOA (AFP, NYT)

TTO - Hôm nay 29-6, bà Aung San Suu Kyi bay về Myanmar, kết thúc chuyến công du châu Âu đầu tiên của mình sau hơn 20 năm bị giam lỏng trong nước. Chuyến đi kéo dài hai tuần với điểm đến tại năm quốc gia.

Xem các tin bài về bà Aung San Suu Kyi trên Tuổi Trẻ Online

vlKloGOj.jpgPhóng to
Bà Suu Kyi rời điện Elysee sau khi dùng tiệc tối cùng Tổng thống Francois Hollande - Ảnh: Reuters

Tại mỗi điểm đến gồm Thụy Sĩ, Na Uy, Ireland, Anh và Pháp, bà Suu Kyi - lãnh đạo phe đối lập ở Myanmar - đều được đón tiếp trọng thị và được vinh danh vì sự đấu tranh cho dân chủ của mình.

Tại Pháp, bà được đối đãi bằng những nghi thức danh dự mà thường chỉ dành cho nguyên thủ quốc gia, trong đó có việc dùng bữa tối tại Điện Elysee với tổng thống Francois Hollande. Ông Hollande đã cam kết ủng hộ quá trình chuyển tiếp dân chủ tại Myanmar.

Trong ngày công tác ở Pháp, bà Suu Kyi cũng đã đến thăm Thượng và Hạ viện Pháp, đến nói chuyện với sinh viên đại học Sorbonne ở Paris. Thị trưởng Bertrand Delanoe đã trao cho bà chứng nhận công nhân danh dự của Paris từ năm 2004.

Ở nước Anh, bà đã có bài phát biểu lịch sử trước lưỡng viện Anh tại Điện Westminster ở London. Báo Guardian gọi đây là vinh dự mà trước đây chỉ có tổng thống Pháp Charles de Gaulle, tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, tổng thống Mỹ Barack Obama, Giáo hoàng Benedict XVI và Nữ hoàng Anh.

Tại Na Uy, bà phát biểu nhận giải Nobel Hòa bình dành cho mình sau 21 năm được trao giải. Ngoài ra bà còn được một số tổ chức khác như Quỹ Rafto và tổ chức Ân xá quốc tế tặng thưởng.

Trong chuyến thăm ở Thụy Sĩ, bà phải cho ngưng buổi họp báo đang diễn ra vì sức khỏe yếu cũng như không thể dự một buổi yến tiệc do chính phủ nước này tổ chức vì kiệt sức.

Tháp tùng bà Suu Kyi trong chuyến công du châu Âu là một phái đoàn đơn giản, gồm thư ký riêng, chỉ huy phụ trách an ninh, chính trị gia kiêm ca sĩ nhạc rap Zayar Thaw và một đảng viên trẻ thuộc Liên đoàn Dân chủ quốc gia (NLD) - đảng do bà lãnh đạo.

“Tôi rất trân trọng tình cảm nồng ấm từ tất cả mọi người trên thế giới dành cho tôi. Rất nhiều người dân ở các vùng khác nhau dường như đều biết về quá trình đấu tranh của chúng tôi ở Myanmar. Tôi cảm thấy một sự đoàn kết to lớn với chúng tôi” - bà Suu Kyi nói.

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh những nhiệm vụ khó khăn vẫn đang còn trước mắt. Trong năm 2015 Myanmar sẽ tổ chức tổng tuyển cử. “Chúng ta không thể đợi đến năm 2015 để xem mọi việc diễn biến thế nào. Đây là thông điệp quan trọng nhất mà tôi muốn gửi tới thế giới: ba năm tới sẽ quyết định phần lớn tình hình năm 2015. Cho nên trong ba năm tới, chúng tôi sẽ phải chắc chắn rằng người dân được trao quyền để thực hiện nguyện vọng của mình”.

Trả lời phỏng vấn AFP ở Paris trước khi về nước, rằng liệu bà đã sẵn sàng để lãnh đạo Myanmar trong tương lai chưa, bà Suu Kyi nói: “Tôi nghĩ tất cả các chủ tịch đảng trong nước đều phải chuẩn bị cho khả năng này nếu như họ thực sự tin tưởng vào tiến trình dân chủ. Nhưng đây chưa phải là điều tôi bận tâm lúc này. Thay vào đó tôi tập trung vào những công việc hiện tại, và dĩ nhiên là chuẩn bị cho tương lai”.

TẤN KHOA (AFP, NYT)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên