Một người Myanmar ôm ảnh của bà San Suu Kyi trong cuộc biểu tình phản đối đảo chính trước Đại sứ quán Myanmar tại Thái Lan ngày 2-2 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, thông báo của cảnh sát Myanmar cũng cho biết Tổng thống Win Myint sẽ bị khởi tố theo Luật quản lý tình trạng thảm họa tự nhiên.
Một tòa án ở thủ đô Naypyidaw đã chấp thuận lệnh bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và ông Win Myint trong ngày 3-2. Cả hai sẽ tiếp tục bị giữ tại một địa điểm không xác định đến ngày 15-2.
Trước đó có thông tin bà Aung San Suu Kyi sẽ bị truy tố tội phản quốc. Các nhân vật chủ chốt khác trong chính quyền dân sự của bà cũng sẽ bị truy tố.
Trước khi bị quân đội bắt ngày 1-2, bà Aung San Suu Kyi giữ chức cố vấn nhà nước Myanmar với quyền hành trên thực tế cao hơn Tổng thống Win Myint.
Theo Tân Hoa xã (Trung Quốc), quân đội Myanmar đã thả các quan chức cấp tỉnh, thành phố trong tối 2-2; nhóm nghị sĩ bị giam lỏng trong một nhà khách chính phủ ở thủ đô Naypyidaw cũng được thông báo có thể "trở về nhà". Riêng bà Aung San Suu Kyi và ông Win Myint vẫn bị "quản thúc" ở một địa điểm không xác định.
Giới phân tích nhận định nếu bị kết tội phản quốc, con đường chính trị của bà Aung San Suu Kyi xem như chấm dứt. Hiến pháp Myanmar hiện nay được soạn thảo với những điều khoản đảm bảo quyền lợi cho quân đội.
Bà San Suu Kyi thể hiện sự kính trọng với các liệt sĩ trong một buổi lễ năm 2016 - Ảnh: REUTERS
Dù lãnh đạo Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) giành thắng lợi vang dội năm 2015, bà Aung San Suu Kyi không thể trở thành tổng thống Myanmar do chồng con bà đều mang quốc tịch Anh.
NLD tiếp tục chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11-2020, giành thế siêu đa số để tự mình thành lập chính phủ. Phe quân đội cáo buộc có gian lận trong bầu cử và tiến hành bắt giữ bà Aung San Suu Kyi cùng hàng loạt quan chức cấp cao khác với lý do bảo vệ nền dân chủ.
Phó tổng thống Myint Swe do quân đội chỉ định trở thành quyền tổng thống và tuyên bố tình trạng khẩn cấp 1 năm, mở đường cho việc quân đội trở lại nắm quyền sau 10 năm.
Đây không phải là lần đầu tiên bà Aung San Suu Kyi bị bắt giữ. Trong chặng đường đấu tranh đòi dân chủ cho Myanmar, bà từng bị quản thúc tại gia gần 20 năm. Năm 1991, bà Aung San Suu Kyi nhận được giải Nobel hòa bình và dành toàn bộ số tiền nhận được cho người dân Myanmar khó khăn.
Trong cuộc họp báo qua điện thoại rạng sáng 3-2 (giờ VN), Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố hành động của quân đội Myanmar ngày 1-2 là "đảo chính quân sự".
Một quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ cũng khẳng định chính phủ của bà Aung San Suu Kyi là "một chính phủ được bầu hợp lệ", gián tiếp phản bác cáo buộc có gian lận của phe quân đội Myanmar.
Trong cuộc họp đầu tiên sau đảo chính, Thống tướng Min Aung Hlaing - tổng tư lệnh quân đội Myanmar - tuyên bố cuộc đảo chính là khó tránh khỏi, viện dẫn các cáo buộc gian lận bầu cử. Cuộc đảo chính đưa tướng Min Aung Hlaing từ một người sắp về hưu trở thành người đứng đầu chính quyền Myanmar trên thực tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận