Ba cơn áp thấp nhiệt đới tương tác phức tạp trên biển - Ảnh: HÀ THANH
Sáng nay 2-9, Thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai họp giao ban ứng phó áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão.
Ứng phó với ba cơn áp thấp nhiệt đới
Ông Mai Văn Khiêm - giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết tính đến 7h sáng nay, tâm áp thấp nhiệt đới số 1 cách Quảng Bình - Quảng Ngãi khoảng 500km, sức gió mạnh nhất cấp 6-7.
Trong khi đó tâm áp thấp nhiệt đới số 2 sức gió mạnh nhất cấp 6 khu vực giữa Biển Đông, còn tâm áp thấp nhiệt đới số 3 sức gió mạnh nhất cấp 7.
Ông Mai Văn Khiêm cho biết có ba cơn áp thấp nhiệt đới hình thành - Ảnh: HÀ THANH
Dựa trên tính toán với dự báo quốc tế, ông Khiêm cho rằng đối với cơn áp thấp nhiệt đới hình thành ở khu vực Bắc biển Đông, phương án xảy ra là áp thấp nhiệt đới đi vào khu vực ven biển miền Trung và quay ngoắt trở ra, đi lên phía Hong Kong.
Song song đó, cơn áp thấp hình thành rạng sáng nay dự kiến 30-48 giờ tới sẽ sáp nhập với cơn áp thấp hiện nay. Do đó trưa và chiều nay khu vực nam vịnh Bắc Bộ, khu vực Quảng Trị, Bình Định có gió cấp 5-6, trong 24 giờ tới áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Trước tình hình này, ông Trần Quang Hoài - tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, đề nghị cơ quan dự báo quốc gia tăng cường hơn nữa các dự báo và theo dõi diễn biến của ba cơn áp thấp này (2 trong Biển Đông, 1 ngoài khu vực Philippines).
"Chúng tôi thấy rằng ba cơn áp thấp này có tương tác rất phức tạp với nhau, có thể chỉ trong 2-3 ngày nữa chuyển sang tương tác sâu hơn", ông Hoài nhận định.
Ông Trần Quang Hoài nhận định ba cơn áp thấp nhiệt đới tương tác phức tạp với nhau - Ảnh: HÀ THANH
Ông đề nghị cơ quan dự báo quốc gia theo dõi, xác định lại vùng nguy hiểm để chỉ đạo trên tuyến biển cho phù hợp. Đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn áp thấp nhiệt đới có khả năng hình thành bão, yêu cầu các văn phòng thường trực suốt dọc biên giới biển cũng như khu vực Bắc Trung Bộ thường xuyên trực ban, nắm tình hình diễn biến thực tiễn.
Đặc biệt chú ý trên tuyến biển, ông Hoài đánh giá toàn bộ tuyến biển đều đang diễn biến phức tạp. Do đó đề nghị lực lượng biên phòng, thủy sản tăng cường trong công tác chỉ đạo, đối với các tàu thuyền đảm bảo an toàn, lực lượng biên phòng kiểm tra sớm bắn pháo hiệu cho các tàu thuyền và kiểm đếm, giám sát chi tiết.
Trên đất liền tập trung tăng cường ứng phó mưa lớn, khu vực hồ chứa hiện nay đã triển khai công điện và triển khai ngay hành động ứng phó với lũ lớn trên các hệ thống đê, tuyến sông.
Còn 52 tàu ở khu vực quần đảo Hoàng Sa
Thượng tá Nguyễn Đình Hưng cho biết lực lượng biên phòng duy trì thường trực trên 7.000 cán bộ chiến sĩ, 281 phương tiện sẵn sàng tham gia xử trí các tình huống - Ảnh: HÀ THANH
Thượng tá Nguyễn Đình Hưng - Bộ tư lệnh Biên phòng, thông tin đến 6h sáng nay 2-9 còn 52 tàu, 340 lao động đang ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. "Đây là khu vực nguy hiểm", thượng tá Hưng nhận định.
Đến 7h sáng, qua kiểm tra lại có 39 tàu neo đậu an toàn ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Còn lại 13 tàu đang di chuyển xuống phía Nam thoát khỏi nguy hiểm.
Hiện nay các đơn vị biên phòng từ khu vực Quảng Ninh đến Khánh Hòa duy trì thường trực trên 7.000 cán bộ chiến sĩ, 281 phương tiện sẵn sàng tham gia xử trí các tình huống.
Áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines đã mạnh thành bão
Khoảng 10h ngày 2-9, chuyên gia dự báo thời tiết Lê Thị Xuân Lan cho biết áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines đã mạnh lên thành bão, tên quốc tế là Lingling. Cơn bão sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến diễn biến hai áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trong Biển Đông nước ta. (LÊ PHAN)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận