Hà Trần - một trong những giọng hát có màu sắc - Ảnh: GIA TIẾN
Con đường jazz Việt có lẽ đã bắt đầu vào khoảng 50 năm trước, khi Quyền Văn Minh còn là một cậu bé, vét hết tiền mua những cuộn băng cassette nhạc jazz rồi mày mò tự học chơi saxophone và clarinet.
Kể từ đó đến nay, jazz Việt chưa bao giờ lên tới đỉnh cao nhưng cũng chưa từng lụi tàn, dù ngày nay sự lên ngôi của dòng nhạc giải trí khiến nhiều người cảm tưởng như jazz đã hoặc sắp chết.
Thực tế, jazz Việt mới được chính thức "khai sinh" chưa bao lâu. Tuần tới đây mới là kỷ niệm 5 năm ngày thành lập khoa jazz của Học viện Âm nhạc quốc gia, và đêm nhạc kỷ niệm cũng sẽ công bố sự ra đời của bộ môn hát trong khoa.
Đã đến lúc phải làm điều đó. Bởi những người giữ lửa cho jazz giờ đây không chỉ gói gọn trong những nghệ sĩ gắn liền với cây kèn sax, như Quyền Văn Minh và những người học trò tài danh của mình: Trần Mạnh Tuấn, Lê Duy Mạnh, Quyền Thiện Đắc.
Sự thách thức của ngọn núi jazz mời gọi cả những danh ca "độc đạo" chinh phục nó. Hai năm trước, chúng ta có album Bóng tối jazz, quy tụ cả Tùng Dương và Hà Trần. Thanh Lam từ lâu cũng bén duyên với jazz.
Và jazz không ồ ạt, không ồn ào, nhưng túc tắc mỗi năm vẫn ra đời những chồi hoa mới. Mạch chảy âm nhạc của 2018 vẫn có bóng hình jazz, trong Sóng hấp dẫn của Hoàng Quyên và mới nhất là Saigon Feel của Hồ Trung Dũng.
Anh thợ ảnh của Hoàng Quyên
Mặc dù nếu jazz "chuẩn" là Ella Fitzgerald, Diana Krall, Amy Winehouse, Gregory Porter thì trong thế hệ nghệ sĩ đương đại, chúng ta chưa có một ai chuẩn jazz như thế. Những album của Hoàng Quyên hay Hồ Trung Dũng dường như vẫn chỉ dừng lại là một sự thử sức, một cuộc thí nghiệm nhiều hơn là một tác phẩm jazz thuần túy và hoàn chỉnh.
Không khí âm nhạc trong album của họ đặc quánh mùi jazz, nhưng cách hát lại quá vững chắc, chưa đủ ngả nghiêng, thiếu đi những khoảng phiêu và sự bất định mà jazz đòi hỏi.
MV Không tưởng - Hà Trần & Bản Nguyên Group
Ngay cả đối với một diva như Hà Trần, tuy màu sắc jazz đã rõ nét nhưng sự phiêu linh vẫn chưa trọn vẹn. Một phần là bởi bản thân tiếng Việt không phải ngôn ngữ thích hợp nhất để "chơi" với jazz. Hơn nữa, jazz lại có một lịch sử quá chuyên biệt để những người ngoài cuộc có thể lĩnh hội hết.
Nhưng dù sao những cái tên kể trên vẫn đã có những bước đi vững chắc trong công cuộc leo ngọn núi jazz. Còn thì có cả những ca sĩ giải trí cũng mon men chạm tới jazz như Dương Triệu Vũ, nhưng không thành công. Anh đưa jazz vào bolero, nhưng chỉ dừng lại ở việc tạo ra một khung nền jazz cứng ngắc phía sau. Cách làm nhạc thiếu tế nhị như vậy, jazz của anh thành ra giả tạo.
Điều đó cũng chỉ để nói rằng dẫu thành công với jazz chẳng phải chuyện dễ dàng vẫn có những người đang lựa chọn nó, theo cách này hay cách khác.
Vũ Điệu Thăng Long - Quyền Văn Minh & Quyền Thiện Đắc [Official]
Và những buổi tối cuối đông, rẽ qua Bình Minh Jazz Club của Quyền Văn Minh ở một góc phố Tràng Tiền, nơi 20 năm qua những kẻ liều lĩnh chọn jazz để theo đuổi đã tới đây trình diễn, bạn cứ thong thả nhâm nhi một ly cocktail, nghe họ chơi nhạc và sẽ hiểu rằng jazz Việt chẳng bao giờ chết, nó vẫn hiện hữu và thở hơi thở đầy sinh khí.
Mở bộ môn hát jazz
Sau rất nhiều năm ấp ủ, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam sẽ mở thêm bộ môn hát cho khoa jazz. PGS.TS Lê Anh Tuấn, giám đốc học viện, cho biết: "Trong nhạc jazz, giọng hát của con người là một nhạc cụ. Vai trò của ca sĩ vô cùng quan trọng". Hiện khoa jazz của học viện đã bắt đầu tuyển sinh cho bộ môn này.
Việc mở bộ môn hát là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 5 năm chính thức thành lập khoa jazz. Sự kiện chính của lễ kỷ niệm là Hòa nhạc jazz và những người bạn, diễn ra vào 20h ngày 30-11 tại học viện.
NGỌC DIỆP
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận