Sinh viên nước ngoài tại trường đại học Sydney, Úc - Ảnh: scmp.com
Chính sách nhập cư của Úc cho phép sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp có thể đăng ký ở lại quốc gia này theo một loại thị thực việc làm trong thời hạn từ 18 tháng đến 4 năm. Tuy nhiên, một trong những điều kiện để được cấp thị thực này là sinh viên phải có ít nhất 24 tháng sống và học tập tại Úc.
Từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến một số lượng lớn sinh viên quốc tế phải rời khỏi nước này và chuyển sang chế độ học trực tuyến từ xa. Thời gian lưu trú bị thu hẹp, cùng với việc Úc đóng cửa biên giới sẽ khiến nhiều sinh viên quốc tế đối diện với nguy cơ không đủ tiêu chuẩn để đăng ký ở lại theo diện thị thực việc làm sau tốt nghiệp.
Để tạo điều kiện cho nhóm các đối tượng này, Chính phủ Úc sẽ nới lỏng các yêu cầu bắt buộc cho phép sinh viên quốc tế được đăng ký dạng thị thực việc làm sau tốt nghiệp, bất kể đã học tập trên đất Úc hay theo học trực tuyến tại nước ngoài.
Đây được xem là một nỗ lực của Canberra nhằm tăng cường khả năng giữ chân sinh viên quốc tế, đặc biệt là hướng tới các đối tượng sinh viên châu Á, hiện đang có rất nhiều lựa chọn điểm đến du học ngoài Úc như Mỹ, Anh và Canada...
Trong nhiều tháng nay, kể từ khi đại dịch bùng phát, các trường đại học tại Úc đã liên tục cảnh báo về những tổn thất mà ngành giáo dục và cả nền kinh tế nước này sẽ phải hứng chịu nếu chính phủ không có các biện pháp hỗ trợ và lôi kéo sinh viên quốc tế quay trở lại học tập.
Đầu tháng 6, Chính phủ Úc tiết lộ đang xem xét việc đưa sinh viên quốc tế trở lại học tập trong nước dưới các hình thức tổ chức chuyến bay đặc biệt, được thực hiện trong điều kiện đảm bảo một "môi trường kiểm soát chặt chẽ" và theo các kế hoạch được phê duyệt trước.
Các trường đại học tại bang New South Wales, địa phương có dân số đông nhất Úc, đã liên lạc với chính phủ tiểu bang để trình kế hoạch đưa 250 sinh viên quốc tế đến thành phố Sydney mỗi ngày, dự kiến trong vòng 100 ngày, với các chuyến bay bắt đầu trong vòng vài tuần tới. Trong khi đó, bang Victoria, địa phương sầm uất thứ hai của Úc, đã đệ trình một kế hoạch tương tự dành cho 7.000 sinh viên quốc tế mong muốn quay trở lại học tập tại các trường đại học thuộc địa bàn bang.
Tuy nhiên, trong hơn hai tuần qua, số ca nhiễm virus SAR-CoV-2 tại bang Victoria bất ngờ tăng đột biến, khiến địa phương này ban hành các lệnh phong tỏa tại hơn 30 điểm nóng đang bùng phát dịch bệnh. Ngày 6/7, lần đầu tiên trong vòng 100 năm, biên giới giữa bang New South Wales và bang Victoria cũng đã chính thức bị đóng cửa vô thời hạn.
Tình cảnh này khiến kế hoạch đưa sinh viên quốc tế trở lại Úc để kịp nhập học vào học kỳ 2-2020 (thường bắt đầu vào tháng 7 hằng năm) bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí là có khả năng tạm hoãn vô thời hạn.
Không chỉ hai bang lớn nhất Úc bị ảnh hưởng, thành phố Canberra, địa phương dự kiến sẽ tiên phong thử nghiệm kế hoạch đưa 350 sinh viên quốc tế trở lại học tập trong tuần đầu tháng 7, cũng đã quyết định hoãn kế hoạch nói trên. Đại học Canberra cho biết hội đồng quản trị của trường sẽ tiếp tục nghiên cứu chi tiết các phương án để trước mắt có thể thử nghiệm đưa một nhóm nhỏ sinh viên quốc tế an toàn trở lại địa phương này học tập.
Sau khi đại dịch bùng phát vào tháng 2, số lượng sinh viên quốc tế tại Úc liên tục sụt giảm, khoảng 61.400 người, chiếm 41% tổng số sinh viên quốc tế so với cùng kỳ năm trước. Đến tháng 3, xu hướng này tiếp tục tăng thêm 10% và cho tới tháng 4, chỉ có 30 sinh viên quốc tế nhập cảnh vào Australia, so với con số 46.480 sinh viên của tháng 4 năm ngoái.
Theo nghiên cứu của Viện Mitchell thuộc Đại học Victoria, các trường đại học của Úc sẽ thiệt hại từ 10-19 tỉ AUD (tương đương 6,8 - 12,9 tỉ USD) tùy thuộc vào thời điểm nước này mở cửa biên giới cho sinh viên quốc tế. Nghiên cứu cũng cho biết doanh thu của các trường đại học đang ngày càng phụ thuộc vào sinh viên quốc tế và việc sinh viên quốc tế không thể đến Úc sẽ khiến các lĩnh vực kinh tế liên quan như kinh doanh nhà cho thuê, ăn uống, du lịch và nhiều ngành dịch vụ khác thiệt hại lên đến 38 tỉ AUD (28 tỉ USD) trong ba năm tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận