Từ phải sang: Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Úc Anthony Albanese công bố chi tiết Thỏa thuận AUKUS - Ảnh: REUTERS
Cụ thể, theo Thỏa thuận AUKUS, Úc sẽ mua 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia từ Mỹ, kèm theo tùy chọn mua thêm 2 chiếc. Như vậy Úc sẽ có thể mua tối đa 5 tàu ngầm lớp Virginia. Giá của mỗi tàu ngầm này rơi vào khoảng 3 tỉ USD, theo báo Washington Post.
Sau đó, Úc sẽ nhận của Anh một tàu ngầm thế hệ mới SSN AUKUS, đồng thời xây dựng cơ sở vật chất và nhân lực để tự sản xuất lớp tàu này. Ngoài ra, kỹ sư Úc sẽ được cử đến các xưởng tàu ở Mỹ và Anh để tham gia quá trình sản xuất tàu ngầm.
SSN AUKUS lấy thiết kế từ lớp tàu SNNR hiện đại nhất của Anh, tích hợp thêm công nghệ tàu ngầm hạt nhân của Mỹ. Đây là lần đầu tiên Mỹ chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân từ sau thỏa thuận với Anh vào năm 1958.
Các tàu ngầm hạt nhân của Úc đều sẽ không được trang bị đầu đạn hạt nhân, đảm bảo không vi phạm quy định quốc tế.
Những chiếc tàu SSN AUKUS đầu tiên sẽ được biên chế vào Hải quân Anh từ cuối thập niên 2030 và Hải quân Úc vào năm 2042.
"Tàu ngầm này () cho thấy khả năng tự chủ của Úc, do người Úc sản xuất, chỉ huy bởi Hải quân Hoàng gia Úc và bảo dưỡng bởi người Úc tại xưởng tàu Úc", Thủ tướng Úc Anthony Albanese chia sẻ tại buổi lễ công bố.
Ông cho biết chương trình này sẽ tạo ra 20.000 việc làm đa lĩnh vực cho người Úc trong nhiều thập niên tới.
Tàu ngầm USS Missouri thuộc lớp tàu ngầm hạt nhân Virginia. Úc sẽ mua tối đa 5 tàu ngầm thuộc lớp này từ Mỹ - Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Theo Hãng tin Bloomberg, giới chức Mỹ cho biết kế hoạch nâng cấp năng lực tàu ngầm Úc sẽ được triển khai theo ba giai đoạn.
Ở giai đoạn 1, Mỹ và Anh luân phiên điều tàu ngầm hạt nhân đến Úc, bắt đầu từ năm 2027, để phục vụ công tác huấn luyện. Cùng lúc, Úc sẽ nâng cấp cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu neo đậu cho các tàu ngầm này.
Với giai đoạn 2, Úc nhận từ Mỹ tối đa 5 tàu ngầm lớp Virginia, với chiếc đầu tiên dự kiến được bàn giao năm 2032. Giai đoạn 3 sẽ xoay quanh việc đưa vào hoạt động lớp tàu SSN AUKUS.
Các quan chức Úc ước lượng nước này sẽ chi khoảng 178-245 tỉ USD cho thỏa thuận này.
"Suốt nhiều thập niên, vì quyền lợi của các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ đã luôn bảo vệ sự ổn định nơi đây. Một lần nữa, chúng ta chứng minh các nước dân chủ có thể mang đến an ninh và thịnh vượng không chỉ cho chúng ta, mà là cả thế giới", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu.
Ở chiều ngược lại, bà Mao Ninh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chỉ trích trong buổi họp báo hôm 9-3 rằng AUKUS "gia tăng đáng kể rủi ro hạt nhân, hủy hoại hệ thống phi hạt nhân quốc tế, đẩy mạnh chạy đua vũ trang và gây tổn hại tới hòa bình, ổn định khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận