Huyết tương (màu vàng) chiếm 55% thành phần máu người, 45% còn lại là các tế bào máu - Ảnh: AFP
Tiêm huyết tương của các bệnh nhân COVID-19 đã chữa khỏi có chứa kháng thể với virus SARS-CoV-2 cho các bệnh nhân nhiễm nặng để tạo cơ chế miễn dịch và giúp họ vượt qua giai đoạn nguy kịch.
Hiện nay một số quốc gia đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên quy mô lớn để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của phương pháp điều trị bằng huyết tương này.
Thử nghiệm ở Canada và Mỹ
Ngày 9-4, Canada đã bắt đầu chương trình thử nghiệm lâm sàng về sử dụng huyết tương của bệnh nhân COVID-19 đã chữa khỏi để truyền cho bệnh nhân mắc bệnh nặng.
Thử nghiệm liên quan đến khoảng 50 trung tâm ở Canada và do nhiều trường đại học thực hiện.
Khoảng 1.000 bệnh nhân từ 40 bệnh viện tham gia thử nghiệm. Kết quả thử nghiệm sẽ được công bố từ 3-10 tháng nữa.
Tại Mỹ, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép thử nghiệm hai phương pháp điều trị bằng huyết tương và huyết thanh siêu miễn dịch.
Ngoài cho phép thử nghiệm lâm sàng tại các bệnh viện trường đại học, FDA sẵn sàng phê quyệt qua điện thoại trong vòng 4 tiếng đối với bác sĩ nào muốn sử dụng phương pháp điều trị bằng huyết tương cho bệnh nhân riêng lẻ.
Ông Francis Suarez, thị trưởng Miami (bang Florida, Mỹ) - bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi đã hiến máu để điều trị bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: ONE BLOOD
Thử nghiệm ở châu Âu
Pháp đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng từ ngày 7-4 với huyết tương của 200 bệnh nhân COVID-19 đã khỏi ở ba vùng Bourgogne-Franche-Comté, Grand-Est và Île-de-France (ba vùng có dịch nên có nhiều bệnh nhân hồi phục).
Thử nghiệm mang tên "Coviplasm" do Cơ quan Y tế công cộng - các bệnh viện Paris (AP-HP) kết hợp Viện Nghiên cứu sức khỏe và y học quốc gia Pháp (INSERM) thực hiện tại Cơ sở Truyền máu Pháp (EFS).
Người hiến huyết tương là người được chữa khỏi tối thiểu 14 ngày trước và đáp ứng các tiêu chí sàng lọc hiến máu.
Người nhận là bệnh nhân có nguy cơ phát triển bệnh, có bệnh nền hoặc tuổi cao.
Mỗi người hiến sẽ cho 600ml huyết tương. Huyết tương được chia làm ba đơn vị 200ml.
Trong 60 bệnh nhân nằm viện tham gia thử nghiệm, 50% sẽ nhận bốn đơn vị huyết tương cách nhau từ 24-48 tiếng.
Cuối tháng 4 sẽ có kết quả đánh giá ban đầu. Tùy hiệu quả điều trị và không có tác dụng phụ có hại, thử nghiệm sẽ được mở rộng cho nhóm bệnh nhân còn lại.
Tại Bỉ, thử nghiệm lâm sàng sẽ được thực hiện ở nhiều bệnh viện vào giữa tháng 4-2020. Hội Chữ thập đỏ sẽ phụ trách thu thập huyết tương.
Pháp bắt đầu nhận hiến máu để thử nghiệm lâm sàng - Ảnh: ER
Tiêm huyết tương trước ngày thứ 6
TS Philippe Bégin ở bệnh viện trường đại học Sainte-Justine (Đại học Montréal, Canada) giải thích: "Liệu pháp trị bệnh bằng huyết tương được gọi miễn dịch thụ động, còn tiêm văcxin được gọi là miễn dịch chủ động".
Truyền huyết tương để điều trị bệnh truyền nhiễm sẽ tạo miễn dịch ngay lập tức nơi người nhạy cảm trong khi tiêm văcxin cần phải có thời gian và mức đáp ứng miễn dịch khác nhau tùy người.
Phó tổng giám đốc EFS Cathy Bliem giải thích trên Đài Europe 1: "Chúng tôi sẽ xây dựng một ngân hàng huyết tương giàu kháng thể trung hòa của các bệnh nhân đã khỏi… Ý tưởng của chúng tôi là truyền kháng thể cho bệnh nhân từ thời điểm mắc bệnh rất sớm, từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 sau khi xuất hiện triệu chứng để tránh biến chứng".
Đối với bệnh nhân nặng, bệnh COVID-19 phát triển làm hai giai đoạn.
Ở giai đoạn đầu, virus corona sinh sôi tấn công phổi và các cơ quan khác. Sang giai đoạn sau, hệ miễn dịch bị đảo lộn nên không còn khả năng tự vệ. Do đó, tốt nhất là sử dụng huyết tương trước giai đoạn hai.
Một bệnh nhân COVID-19 đã khỏi hiến máu ở Vũ Hán - Ảnh: THX
Không phải lúc nào cũng hiệu quả
Thật ra phương pháp điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng huyết tương được thực hiện trong bối cảnh không có dữ liệu được công bố trên các tạp chí đã bình duyệt.
Đến nay chỉ có hai thử nghiệm sơ bộ của Trung Quốc công bố trên hai tạp chí khoa học Mỹ ghi nhận huyết tương dường như cải thiện tình trạng lâm sàng của bệnh nhân COVID-19 nặng.
Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân được thử nghiệm quá ít. Một thử nghiệm dành cho 10 bệnh nhân và thử nghiệm còn lại cho 5 bệnh nhân.
TS Philippe Bégin thừa nhận: "Chúng tôi gần như mù vì không có nhiều nghiên cứu giải thích cần loại kháng thể nào hay cần lượng huyết tương bao nhiêu".
Ngoài ra, phương thức điều trị bằng huyết tương trước nay chưa từng đạt kết quả thuyết phục.
Trong dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, thử nghiệm trên 1.700 bệnh nhân cho thấy tỉ lệ tử vong thấp hơn nhưng không nhiều.
Các thử nghiệm trong dịch SARS năm 2003, cúm H1N1 năm 2009, dịch MERS năm 2012 và dịch Ebola cũng cho ra kết quả như thế.
FDA phải thừa nhận: "Mặc dù đầy hứa hẹn nhưng huyết tương của người đã khỏi bệnh không chứng minh có hiệu quả trong các bệnh đã nghiên cứu. Do đó, điều quan trọng là phải thông qua thử nghiệm lâm sàng để xác định tính an toàn và hiệu quả trước khi sử dụng có hệ thống cho các bệnh nhân mắc COVID-19".
Viện Hàn lâm y học quốc gia Pháp đánh giá liệu pháp huyết thanh (globulin) miễn dịch cũng có nhược điểm.
Đầu tiên là bản chất và khả năng trung hòa của kháng thể thay đổi rất nhiều từ người hiến sang người nhận.
Ngoài ra còn có nguy cơ liên quan đến sự hiện diện của citrat, thể tích máu truyền, khả năng truyền các tác nhân truyền nhiễm và các phân tử gây viêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận