Những cảnh như thế này thật khó có thể tưởng tượng nổi cách đây nhiều năm: vào lúc 7g tối, hai nửa Athens ở thế đối đầu nhau trước tòa nhà quốc hội. Họ hét vào mặt nhau, nhổ bọt vào mặt nhau. Một nhóm mang cờ màu đỏ, nhóm kia cờ màu xanh da trời, và cảnh sát chống bạo động tự dưng cảm thấy mình đứng giữa hai cuộc biểu tình. Ảnh: http://baruda.files.wordpress.com Một nhóm trong số họ tập hợp những người già, những người hưu trí, các công chức nhà nước, giáo viên. Họ hô vang: “Hi Lạp, châu Âu, dân chủ”. Nhóm kia tập hợp chủ yếu là những thanh niên của Exarchia, khu dân cư nổi tiếng với những người theo xu hướng cực tả, vô chính phủ và bất mãn. Một số trong số họ đội mũ sắt, tay cầm gậy gộc. Họ hô vang những khẩu hiệu đòi Hi Lạp rút khỏi Liên minh châu Âu (EU). Athens đã như thế hàng bao ngày nay, chia rẽ, mâu thuẫn, tranh cãi, xung đột và lúc nào cũng cuồng nộ. Cũng như chính Hi Lạp, Athens đang sống những ngày kinh khủng nhất. Kể từ ngày 31-5, thành phố này đã không còn tiền để trợ giúp cho người nghèo và bữa ăn nhân đạo, chủ yếu dành cho họ, đã phải ngưng lại vô thời hạn. Giờ thì chỉ còn các dịch vụ nhân đạo do các tổ chức phi chính phủ điều hành là còn hoạt động nhưng cũng rất cầm chừng. Vào lúc 4g chiều hằng ngày, bạn chỉ cần lượn qua phố Sofolkleus ở trung tâm Athens là thấy rõ điều này. Hơn 900 người tụ tập trong sân của một tổ chức có quan hệ với nhà thờ Chính thống để chờ phát khẩu phần. Đấy chỉ là một đĩa mì maccaroni và một chút bánh mì. Hàng người đã đứng thành một hàng dài từ trước khi cơ sở này mở cửa nửa tiếng đồng hồ. Michael Samullis, 48 tuổi, cựu tài xế đường dài, cho biết: “Vào năm 2010, kẻ trộm đã lấy đi của tôi cả chiếc xe thùng mà hằng ngày tôi vẫn lái để chở lương thực cho các cửa hàng. Tôi không có tiền để mua một chiếc xe mới, trong khi nhà nước nợ tôi 50.000 euro tiền lương chưa trả đúng hạn. Tôi cãi nhau với vợ, rồi chúng tôi ly thân. Tất cả cuộc đời tôi bị hủy hoại vì vụ trộm đó”. Ở Athens, những người cùng cảnh ngộ như Samullis rất nhiều. Người ta luôn bảo rằng nếu bạn đã ngã, bạn sẽ không đứng dậy được nữa. Ở quảng trường Omonias, cũng nằm tại trung tâm Athens, cách đó vài bước hàng trăm người vô gia cư ngủ la liệt mỗi đêm. Hơn 3,5 triệu người Hi Lạp sống dưới mức đói nghèo, trong một đất nước có tỉ lệ thất nghiệp lên tới 27%, cao nhất châu Âu, và trong năm năm qua người ta đã ghi nhận 10.000 trường hợp tự tử. Lambros Moutakis, một người vô gia cư và cũng từng nghĩ đến giải pháp tiêu cực ấy. Là một giáo viên thất nghiệp, Lambros đã trở thành một biểu tượng của quảng trường này. Bộ trưởng Tài chính Hi Lạp Yanis Varoufakis đã có lần gặp ông ở đây và xúc động viết một bài về ông trên blog cá nhân của mình. “Chính vì những người như ông ấy mà tôi quyết định gia nhập chính phủ, để bảo vệ những con người như ông, người đang chiến đấu hết mình để không trở thành một kẻ bỏ đi” - ông viết. Dòng người kiên nhẫn chờ trước cửa một chi nhánh ngân hàng Piraeus ở Athen để rút tiền (Ảnh: CNBC) Sáu tháng đã trôi qua kể từ ngày Varoufakis trở thành bộ trưởng tài chính Hi Lạp và Lambros vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh của mình trên quảng trường, ngày tham gia biểu tình chống các chính sách thắt lưng buộc bụng, phát nhật báo Skedia ở các ga tàu điện ngầm, làm phiên dịch cho những ai cần và tối thì về ngủ ở đây. Về Varoufakis và cuộc vật lộn với các chủ nợ để cứu Hi Lạp khỏi rơi vào phá sản, ông nói: “Varoufakis từng là người gần gũi với dân chúng, nhưng bây giờ ông ấy có vẻ xa cách tất cả. Ông ấy ăn mặc cứ như là một người mẫu. Ông ta và Thủ tướng Tsipras không được phép quên những lời hứa của mình khi nhậm chức. Họ cần phải duy trì Hi Lạp trong khối EU và tìm cách xoa dịu đi những nỗi khổ cực của chúng tôi”. Số phận của những người như Samullis hay Lambros và hàng triệu người Hi Lạp khác mà ta không biết tên, không rõ tuổi nhưng đang oằn mình sống trong khốn khó ở một đất nước sắp phá sản sẽ ra sao? Không ai biết, nhưng đất nước này đang nợ 315 tỉ euro, đang tiếp tục vay nợ để... trả nợ, và đang trở thành một tấn bi kịch lớn chưa nhìn thấy lối thoát. Tags: GrexitKhủng hoảng Hi Lạp
Tình báo Ukraine: Triều Tiên gửi 100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho Nga UYÊN PHƯƠNG 26/11/2024 Cơ quan Tình báo quốc phòng Ukraine (DIU) cáo buộc Triều Tiên gửi 100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) cho Nga.
Khởi tố, bắt 4 bị can gồm 2 giám đốc trong vụ án nhận hối lộ ở Nha Trang PHAN SÔNG NGÂN 26/11/2024 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa vừa khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can liên quan việc đấu thầu thi công các dự án do Công ty TNHH Dũng Lợi thực hiện trên địa bàn TP Nha Trang.
Sửa thuế thu nhập cá nhân lạc hậu: Phải chờ đến... 2026! LÊ THANH 26/11/2024 Phải có quy định cho phép người nộp thuế thu nhập cá nhân được trừ lãi vay mua nhà, tiền học, khám chữa bệnh của người nộp thuế và của con cái họ.
Nhận hối lộ gần 6 tỉ, luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với cựu vụ phó Anh Tuấn TUYẾT MAI 26/11/2024 Sáng 26-11, phiên tòa xét xử vụ sai phạm tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan. Bào chữa cho ông Hoàng Anh Tuấn (cựu vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương), luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với ông Tuấn.