Theo thông tin từ hãng dược AstraZeneca cho hay đang thực hiện quy trình xin rút giấy phép vắc xin COVID-19 tại các khu vực, quốc gia còn lại trên toàn thế giới.
Đại diện AstraZeneca khẳng định việc thu hồi toàn bộ loại vắc xin trên thuần túy đến từ lý do thương mại.
Tại Việt Nam, trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, ngoài 30 triệu liều vắc xin COVID-19 đã đặt mua của AstraZeneca, sau đó Việt Nam cũng đã rải rác tiếp nhận vắc xin AstraZeneca qua các chương trình tài trợ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho hay tại Việt Nam đã không còn sử dụng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca để tiêm chủng từ tháng 7-2023.
"Từ tháng 7-2023, số vắc xin COVID-19 do hãng này sản xuất đã không còn hạn sử dụng. Theo quy định an toàn tiêm chủng, vắc xin đã không còn được sử dụng để tiêm chủng phòng COVID-19", vị này cho hay.
Về thông tin hãng dược AstraZeneca thu hồi vắc xin trên toàn thế giới, Phòng quản lý kinh doanh dược (Cục Quản lý dược, Bộ Y tế) cũng thông tin hiện Việt Nam đã không còn sử dụng loại vắc xin này.
"Số vắc xin được cấp phép lưu hành trước đó đã hết hạn sử dụng. Sau đó, vắc xin COVID-19 của AstraZeneca không tiếp tục nhập khẩu vào Việt Nam.
Hiện nay, chỉ còn một số loại vắc xin còn hạn sử dụng được lưu trữ để sử dụng trong phòng chống dịch COVID-19", vị này thông tin.
Trước đó, vào tháng 2-2023, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã phân bổ hơn 800.000 liều vắc xin AstraZeneca có hạn sử dụng đến tháng 7-2023 cho 63 tỉnh/thành phố để triển khai tiêm chủng mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên.
Tại thời điểm này, số vắc xin AstraZeneca còn tại các tuyến là khoảng 300.000 liều (chưa bao gồm 204.400 liều dự trữ tuyến quốc gia).
Vắc xin COVID-19 AstraZeneca vào Việt Nam từ tháng 2-2021
Vắc xin AstraZeneca là vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên được phê duyệt nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam từ tháng 2-2021.
Đây là vắc xin do Công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển.
Tại thời điểm được cấp phép tại Việt Nam, vắc xin COVID-19 của AstraZeneca sản xuất đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 181 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Đồng thời, đây cũng là loại vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận