Tiêm vắc xin AstraZeneca ở Pháp vào tháng 2-2021 - Ảnh: REUTERS
AstraZeneca bắt đầu cung cấp vắc xin cho EU vào tháng 2 và đặt mục tiêu cung cấp 100 triệu liều trong nửa đầu năm 2021. Trong đó, 30 triệu liều sẽ được giao trong quý đầu tiên của năm.
Nguyên do chậm trễ
Theo Hãng tin AFP, AstraZeneca cho biết các vấn đề về sản xuất và các hạn chế xuất khẩu là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt. Trước đó, AstraZeneca cũng đã cảnh báo chuỗi cung ứng ở châu Âu của họ đang gặp vấn đề do "sản lượng thấp hơn dự kiến".
"Thật không may, các hạn chế xuất khẩu sẽ làm giảm lượng giao hàng trong quý đầu tiên và có khả năng ảnh hưởng tới quý thứ hai", AstraZeneca thông báo vào ngày 13-3. Hãng dược cho biết họ đang "hợp tác với Ủy ban châu Âu và các quốc gia thành viên để giải quyết các thách thức về nguồn cung".
Theo báo Financial Times, việc AstraZeneca chật vật trong chuyện cung ứng vắc xin cho EU một phần là do những nhà máy sản xuất của hãng ở châu Âu tới nay vẫn chưa sản xuất được.
Nhà máy Halix ở Hà Lan vẫn chưa được chấp thuận cung cấp vắc xin theo quy định của EU, dù nhà máy đã được nêu tên trong thỏa thuận ký giữa AstraZeneca và Ủy ban châu Âu hồi tháng 8 năm ngoái.
Các quan chức EU cho biết AstraZeneca vẫn chưa cung cấp đủ dữ liệu. Trong khi hãng dược thì nói việc phê duyệt vẫn "đúng tiến độ".
Tóm lại, Nhà máy Halix đã sản xuất vắc xin nhưng chưa được phép cung cấp ở EU, còn nhà máy khác của AstraZeneca là Seneffe tọa lạc ở Bỉ phải vật lộn với sản lượng thấp hơn mong đợi.
Rắc rối ở các nhà máy đặt ra những câu hỏi về hợp đồng của AstraZeneca với EU cũng như sự giám sát của khối.
Khó khăn chồng chất
Hình ảnh của Hãng dược AstraZeneca đã bị tổn hại khi một số quốc gia đình chỉ việc tiêm vắc xin của hãng vì lo ngại tình trạng máu đông, dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói không có lý do gì để ngừng sử dụng vắc xin AstraZeneca.
Đan Mạch, Na Uy và Iceland đã tạm ngưng tiêm vắc xin của hãng để điều tra thêm. Một số quan chức Ấn Độ ngày 13-3 cho biết họ sẽ xem xét kỹ lưỡng về các tác dụng phụ sau tiêm vào tuần tới.
Bản thân AstraZeneca cũng nhấn mạnh vắc xin của họ là an toàn và "không có bằng chứng" về nguy cơ gây đông máu.
Trong khi đó, một vấn đề khác nổ ra: Áo, Cộng hòa Czech, Slovenia, Bulgaria và Latvia đã kêu gọi EU thảo luận về việc phân phối vắc xin đồng đều, bình đẳng.
Theo các nước nói trên, nếu tiếp diễn tình trạng hiện tại sẽ tạo ra sự chênh lệch lớn giữa các quốc gia thành viên vào mùa hè này. Điều này sẽ khiến một số nước sớm tạo được miễn dịch cộng đồng, trong khi một số khác tụt lại phía sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận