Ông Trần Hữu Nghĩa (trái) và ông Nguyễn Mạnh Hiền
Dưới đây là những ý kiến tiêu biểu:
* Ông TRẦN HỮU NGHĨA (chủ tịch Hội CĐV bóng đá VN, VFS):
Người dân khao khát xem đoàn VN thi đấu tại Asiad
Là một người yêu bóng đá và dành nhiều sự quan tâm với đoàn thể thao VN dự Asiad 18, tôi rất bức xúc trước việc không có đài truyền hình nào tại VN mua bản quyền đại hội.
Tôi không quy trách nhiệm cho VTV nhưng nếu VTV nói họ không có tiền mua thì các đài khác: HTV, VTC, VTVcab... cũng nên mua cho người dân xem.
Đừng trả lời dư luận là nếu mua bản quyền Asiad thì lỗ. Vậy ra các đài chỉ có lời mới làm, còn lỗ thì không làm? Nếu giá đắt quá thì các đài phải cùng nhau liên kết lại mà mua cho đỡ tốn tiền chứ không thể trông chờ bàn tay cứu độ của một doanh nghiệp nào đó mãi được.
Hàng triệu người VN khao khát xem đội tuyển Olympic VN thi đấu, muốn xem đoàn thể thao VN đi diễu hành trong lễ khai mạc Asiad nhưng sao khó thế.
Asiad không chỉ là nơi thi đấu giữa các đoàn thể thao, bản chất của đại hội là khích lệ và phát triển phong trào tập luyện thể thao ở các quốc gia tham dự đại hội.
* Ông NGUYỄN MẠNH HIỀN (nguyên chủ tịch Hội CĐV bóng đá Hải Phòng):
Đừng nghĩ Asiad chỉ là chuyện kinh doanh
Tôi thông cảm với VTV vì được biết giá bản quyền truyền hình Asiad 18 rất cao nên nếu mua thì VTV hay các đơn vị khác sẽ phải bù lỗ. Thế nhưng cũng rất buồn vì Asiad đâu chỉ có bóng đá mà còn vài chục môn thể thao khác mà đoàn thể thao VN tham dự.
Các cầu thủ bóng đá, xạ thủ bắn súng, VĐV điền kinh, lực sĩ cử tạ... sẽ được tiếp thêm sức mạnh nếu như họ biết rằng sự nỗ lực trên sàn đấu của họ có sự theo dõi, ủng hộ của người hâm mộ nước nhà.
Vậy nhưng với các đài truyền hình, trong mắt họ Asiad chỉ có một cách tiếp cận đó là chuyện kinh doanh lãi hay lỗ. Có thể họ đánh giá rằng đội tuyển VN không thể vượt qua vòng loại, đoàn thể thao VN chỉ có khả năng giành 2-3 HCV, nên có mua bản quyền cũng lỗ vốn nên không ai mua. Truyền hình trực tiếp Asiad không đơn thuần là một thương vụ, đó còn là nhiệm vụ chính trị, là nền thể thao và lợi ích của nhân dân.
Vì sao không có đài truyền hình nào tại VN mua bản quyền Asiad? Tôi nghĩ trách nhiệm ở đây cũng thuộc về cơ quan quản lý truyền thông và thể thao VN.
Danh tiếng quan trọng hơn doanh thu
Hiện chưa tìm thấy bất cứ quy định nào bắt buộc đài truyền hình quốc gia phải mua bằng được bản quyền của một sự kiện thể thao để phục vụ người hâm mộ.
Đài truyền hình quốc gia hoàn toàn có thể không mua bản quyền một sự kiện thể thao nào đó nếu tình trạng tài chính không cho phép hoặc xét thấy doanh thu phát sóng sự kiện thể thao này không đủ bù lại chi phí mua bản quyền truyền hình.
Điều này được thể hiện rõ nhất ở World Cup 2018. Có rất ít đài truyền hình quốc gia sở hữu bản quyền giải đấu trên đất Nga. Thay vào đó, đơn vị sở hữu bản quyền ở các nước hầu hết thuộc về những đài truyền hình trả tiền. Các đài truyền hình trả tiền này nếu không đủ năng lực tài chính thì có thể liên kết với nhau để mua bản quyền World Cup.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là các đài truyền hình quốc gia của các nước nói không khi giá bản quyền quá đắt. Đài truyền hình quốc gia Bỉ (RTBF) là một ví dụ khi họ chấp nhận chịu lỗ để mua bản quyền World Cup phục vụ người hâm mộ. Với RTBF, danh tiếng của đài quan trọng hơn doanh thu.
Một thành viên thuộc RTBF là ông Benoit Wwisgerber từng chia sẻ về việc mua bản quyền World Cup 2018: "Chúng tôi chỉ có thể nói rằng chi phí bản quyền truyền hình World Cup rất cao nhưng vì danh tiếng của đài chúng tôi phải mua - đó mới là điều quan trọng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận