08/08/2016 08:11 GMT+7

ASEP 2016: “Áp lực nhưng rất thú vị!”

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Đó là nhận xét chung của hầu hết 84 đại biểu quốc tế đang tham dự Diễn đàn môi trường sinh viên châu Á (ASEP) 2016 tại Hokkaido (Nhật Bản) những ngày này.

Các đại biểu được chia thành nhiều nhóm nhỏ tham gia buổi thực địa tại Vườn quốc gia Shiretoko (Hokkaido, Nhật Bản) vào trưa 5-8 - Ảnh: C.NHẬT
Các đại biểu được chia thành nhiều nhóm nhỏ tham gia buổi thực địa tại Vườn quốc gia Shiretoko (Hokkaido, Nhật Bản) vào trưa 5-8 - Ảnh: C.NHẬT

ASEP 2016 có chủ đề “Biodiversity and wisdom” (tạm dịch: Đa dạng sinh học và sự minh triết) được thiết kế với lịch hoạt động kín mít từ 8g sáng đến 21g mỗi ngày. Tuy vậy, các đại biểu (sinh viên đại học, cao học) đều cho biết không ai thấy mệt vì xen kẽ giữa các bài thuyết trình từ chuyên gia đầu ngành trong chương trình là những buổi thực địa sống động, thú vị.

Trong ngày 4-8, khi buổi trưa được nghe những chia sẻ về tầm quan trọng của việc gìn giữ, bảo tồn thiên nhiên từ chuyên gia của Quỹ bảo vệ tài nguyên Shiretoko, giáo sư của ĐH Tokyo... thì ngay chiều cùng ngày các đại biểu được đi du thuyền tham quan các bán đảo hoang sơ trong khu vực và quan sát từ xa cuộc sống của loài gấu nâu - một giống loài dần trở nên quý hiếm tại Nhật Bản.

Ngày 5-8, các đại biểu vừa có dịp lắng nghe những tâm tư về môi trường của đại diện Ainu - một tộc người thiểu số của Nhật Bản, vừa được đi tham quan trại bò sữa lớn hàng đầu ở Hokkaido cũng như cách nuôi dưỡng giống cây mao lương, chủng loại cú cá Blakiston...

Bạn Bùi Tuấn Anh (sinh viên khoa môi trường ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết khoảng hai tuần trước khi diễn ra sự kiện, tất cả các đại biểu đã nhận được đề tài thảo luận gợi ý từ ban tổ chức, xoay quanh giải pháp gợi ý cho khu vực/quốc gia của mình về vấn đề đa dạng sinh học.

“Và vào cuối mỗi ngày chúng tôi đều có một buổi thảo luận nhóm bắt buộc, thông qua đó chúng tôi có thể chia sẻ về vấn đề môi trường trong nước mà bản thân quan tâm và nhận về giải pháp gợi ý từ đại biểu nước bạn.

Chúng tôi cũng có cơ hội lắng nghe điều giới trẻ các quốc gia khác quan tâm. Chẳng hạn, tôi biết được các bạn Nhật đang quan tâm đến việc cứu một loài cò quý hiếm khỏi tuyệt chủng, các bạn Indonesia thì rất lo lắng về vấn đề cháy rừng...” - Tuấn Anh chia sẻ.

Một trong những điều khiến các đại biểu ngạc nhiên thông qua các buổi thực địa là việc người Nhật đã đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ môi trường từ hàng trăm năm trước, bên cạnh đó người Nhật cũng thường trưng cầu ý dân, tham khảo ý kiến chuyên môn nhiều chiều... nên hầu hết các giải pháp môi trường của họ đều được thực hiện hiệu quả và có sự nhất trí cao từ người dân.

“Điều này rất quan trọng bởi trong một số hoàn cảnh, nhà khoa học chưa chắc đã có những kiến thức vững bằng người dân địa phương” - một đại biểu Indonesia chia sẻ.

ASEP 2016 diễn ra từ ngày 3 đến 8-8 tại Nhật Bản với sự tham gia của 84 đại biểu quốc tế đến từ 7 trường hàng đầu của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam, Campuchia, Indonesia.

ASEP 2016 nhận được sự hợp tác, hỗ trợ truyền thông từ nhật báo Mainichi (Nhật Bản), báo Tuổi Trẻ (Việt Nam) và là một hoạt động thường niên do Quỹ môi trường AEON phối hợp cùng Đại học Waseda (Nhật Bản) tổ chức từ năm 2012.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên