25/06/2019 09:35 GMT+7

ASEAN vun đắp giá trị cốt lõi

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Giữa lúc trở thành điểm nóng trong các tranh chấp địa kinh tế và địa chính trị, các thành viên ASEAN phải chọn một con đường: thúc đẩy đoàn kết và gia tăng nội lực.

ASEAN vun đắp giá trị cốt lõi - Ảnh 1.

Các lãnh đạo ASEAN vỗ tay chào nhau sau phần chụp ảnh chung ở buổi khai mạc hội nghị ngày 23-6 - Ảnh: Reuters

Ngoài chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao ASEAN (ASEAN Summit) lần thứ 34 vừa kết thúc tại Bangkok (Thái Lan), giới quan sát cũng chú ý một chi tiết về quan hệ Việt Nam - Singapore.

Rất đa dạng nhưng lại tồn tại được hơn 50 năm qua, đó là minh chứng cho thấy ASEAN đang phát triển rất tốt.

Ông Phạm Quang Vinh (nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam)

Thẳng thắn để tìm tiếng nói chung

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ở Bangkok đã thẳng thắn phê phán những phát ngôn của ông Lý hồi đầu tháng này về việc quân đội Việt Nam giúp đỡ Campuchia. 

Báo chí Singapore cũng dẫn lại lời kể của ông Lý, cho rằng hai bên đã có những trao đổi thẳng thắn với nhau. Singapore và Việt Nam tôn trọng nhau và nhất trí hợp tác, phát triển.

Nội dung cuộc gặp bên lề này cũng phản ánh cách thức ASEAN đang đối diện với những biến động, cọ xát trong khu vực và quốc tế: thẳng thắn trao đổi về những khác biệt, nhưng tôn trọng quan hệ hữu nghị, tiếp tục duy trì đoàn kết, gắn bó và tăng cường hợp tác.

Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung leo thang cũng là một vấn đề che phủ ASEAN Summit năm nay. Nó phản ánh đòi hỏi ASEAN phải chứng tỏ sự đoàn kết để nâng cao sức mạnh, vị thế chung nhưng trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt.

Đây cũng là quan điểm mà nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh chia sẻ với Tuổi Trẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây. Ông nói: "Đừng nghĩ rằng đoàn kết là đồng hóa tất cả với nhau, giống nhau về mọi thứ. ASEAN là một khối thống nhất từ sự đa dạng, đa dạng nhưng vẫn tiến lên được và gầy dựng uy tín".

Xây dựng nội lực

Tinh thần này đóng góp quan trọng vào việc thống nhất những kết quả nổi bật tại ASEAN Summit lần này. Lãnh đạo các nước ASEAN thông qua văn kiện Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và nhất trí chốt đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm nay.

RCEP là sáng kiến hợp tác kinh tế tầm cỡ do Trung Quốc khởi xướng, quy tụ 10 thành viên ASEAN và các nền kinh tế lớn khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc và New Zealand. Bản thân tiến trình đàm phán RCEP đã gặp nhiều trở ngại do bất đồng quan điểm. 

Ấn Độ lo hàng hóa giá rẻ Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường nếu RCEP có hiệu lực, còn Úc và New Zealand nêu lo ngại về việc một số điều khoản chưa bảo vệ đầy đủ cho môi trường kinh doanh cũng như người lao động. Nhưng với việc nhất trí thúc đẩy hoàn tất đàm phán RCEP trong năm nay, các lãnh đạo ở ASEAN Summit đã tạo nền tảng tốt để giải quyết khác biệt.

Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu và cũng là những đối tác kinh tế hàng đầu của ASEAN. Tranh chấp giữa hai bên dĩ nhiên mang tới những thách thức khó lường cho bức tranh khu vực. Tuy vậy thay vì phải "chọn lựa" như cách Thủ tướng Lý Hiển Long từng lo ngại, ASEAN vẫn còn con đường khác để tự chủ là quay về tận dụng chính sức mạnh của "người nhà".

Ý kiến này được Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nhấn mạnh, khi ông kêu gọi ASEAN gia tăng sự chú trọng vào thương mại nội khối. Theo ông Mahathir, giao dịch giữa các nước ASEAN với nhau đang khá khiêm tốn ở mức 35%, so với các tổ chức khác như Liên minh châu Âu (EU), nơi thương mại nội khối vượt mốc 40%. 

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bangkok vừa qua, Thủ tướng Malaysia nói: "Các nỗ lực đặc biệt cần được thực hiện để đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa 10 quốc gia ASEAN. Cần phải lưu tâm tới tiến trình gia tăng thương mại giữa các quốc gia ASEAN với nhau".

Chỉ khi có được sức mạnh nội lực, ASEAN mới trụ vững trong mọi biến cố của bức tranh địa kinh tế - địa chính trị toàn cầu. Và muốn xây dựng nội lực, không gì khác ngoài thắt chặt đoàn kết và tính thống nhất, bởi đó là giá trị cốt lõi để ASEAN tồn tại.

Việt Nam và trọng trách ASEAN

Những kết quả đạt được tại ASEAN Summit vừa qua ở Thái Lan cũng là tiền đề để Việt Nam căn cứ và phát huy vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020.

Trả lời báo chí hậu ASEAN Summit, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng - trưởng SOM ASEAN Việt Nam - nhận xét chủ đề "Tăng cường quan hệ đối tác vì sự phát triển bền vững" do ASEAN lựa chọn cho 2019 theo đề xuất của Thái Lan là xác đáng, tạo tiền đề cho hợp tác vì sự bền vững của cả hiệp hội.

Ông khẳng định đây là "vạn vật bền vững" và đóng vai trò như một ADN của ASEAN truyền lại cho các thế hệ sau. Và một lần nữa, vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình khu vực được khẳng định lại, làm rõ nét hơn.

ASEAN đạt bước tiến lớn

TTO - Các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một thuật ngữ do Mỹ khởi xướng trong lúc thúc đẩy kết thúc đàm phán một hiệp định kinh tế khu vực do Trung Quốc dẫn dắt.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên