TTCT - Tại sao lại có một Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Úc? Điểm nhấn của hội nghị này là gì? Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull (thứ sáu từ trái) và các nhà lãnh đạo ASEAN trong thượng đỉnh đặc biệt ở Sydney. Ảnh: asean.org Ngày 23-2-2017, trong một thông cáo chung với thủ hiến bang New South Wales, Gladys Berejiklian, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull loan báo nước Úc và thành phố Sydney sẽ đăng cai Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Úc vào tháng 3-2018. Dù đã là đối tác đối thoại của ASEAN từ năm 1974, Úc và ASEAN mới gặp cấp lãnh đạo cao nhất chính phủ có năm lần, và mãi đến năm 2016 ASEAN và Úc mới bắt đầu cơ chế hai năm họp thượng đỉnh một lần. Úc là một phần của ASEAN? Mục (2) trong Tuyên bố chung Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Úc vừa kết thúc nêu rõ: “Chúng tôi cam kết tăng cường những chia sẻ để hình thành một khu vực an ninh và thịnh vượng cho người dân chúng ta”. Việc đăng cai sớm sủa Thượng đỉnh ASEAN - Úc lần này, chỉ một năm rưỡi (thay vì đúng hai năm như hẹn), sau thượng đỉnh lần đầu ở Vientiane phản ánh mong muốn của nước Úc gắn bó hơn với ASEAN. Thủ tướng Úc Turnbull trong diễn văn khai mạc đã tiến đến xem ASEAN và nước Úc như một khu vực chung, và ông đưa ra cam kết của nước Úc: “Hôm nay là một ngày lịch sử khi các nhà lãnh đạo ASEAN và Úc cùng nhau lần đầu tiên có mặt ở Úc, cùng hợp tác để xác định cam kết của chúng tôi đối với tính trung tâm của ASEAN...”. Từ đây, ông chỉ nói đến “khu vực chung của chúng ta”, coi nước Úc như một phần của ASEAN: “Cuộc họp diễn ra vào thời điểm quan trọng với khu vực. Sự thay đổi đang diễn ra với tốc độ và quy mô chưa có tiền lệ trong lịch sử nhân loại. Tầm nhìn của chúng ta thì lạc quan và sinh ra từ tham vọng, đó là một tình hàng xóm láng giềng được xác định bởi các thị trường mở và dòng chảy tự do hàng hóa, dịch vụ, vốn và ý tưởng. Trong 50 năm qua, ASEAN đã sử dụng ảnh hưởng của mình để làm giảm căng thẳng, xây dựng hòa bình, khuyến khích hợp tác kinh tế và hỗ trợ việc duy trì sự thượng tôn pháp luật. Chúng tôi cam kết sẽ ủng hộ ASEAN trong vai trò người hiệu triệu chiến lược của khu vực”. Việc “ủng hộ ASEAN trong vai trò người hiệu triệu chiến lược của khu vực” không đơn giản là tán tụng đầu môi. Ông Turnbull cho thấy ông đã nhìn ASEAN trong thực chất của nó, “tính trung tâm của ASEAN” và đánh giá đúng: qua nhiều cơ chế đa phương ARF, AMM, ADMM, ADMM+...; trong thời gian gần đây, một mặt do sức ép gia tăng từ bên ngoài, mặt khác do sự thoái thác từ bên trong, ASEAN không còn tiếng nói như trước; chính vì thế nay Úc muốn tiếp thêm sự ủng hộ cho tiếng nói đó. Thượng tôn pháp luật Ông Turnbull cũng mong mỏi về một khu vực chung “mà sự tuân thủ luật lệ mang lại hòa bình lâu dài, quyền của tất cả các quốc gia được tôn trọng, các thị trường mở...”. Những lời bình dân hơn cũng từng được ông Lý Quang Diệu nói như thế về khát vọng cho khu vực: “một khu vực mà cá lớn không nuốt cá nhỏ và cá nhỏ không nuốt tép”. Để hiểu đúng các tuyên bố trên, cần hiểu đúng người Úc đang nghĩ gì. Tài liệu của Quốc hội Úc, công bố hôm 1-3-2018, tựa đề: “Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Úc, Sydney, tháng 3-2018: Các vấn đề và các sự liên quan” do tiến sĩ Frank Frost chấp bút, có thể được xem là “chìa khóa” mở ra cánh cửa hiểu biết đó. Tài liệu điểm lại tình hình Biển Đông, trong đó có đoạn: “Hai diễn biến đặc biệt quan trọng trong năm 2013 là trên Biển Đông. Vào tháng 1-2013, Philippines, dưới thời Tổng thống Benigno Aquino, đã khởi xướng một nỗ lực pháp lý để làm rõ các quyền lợi của mình liên quan đến Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS)... Diễn biến quan trọng thứ hai là tháng 9-2013, Trung Quốc bắt đầu biến cải bảy địa điểm trên quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo” và quân sự hóa các đảo này. Tài liệu nêu rõ quan điểm của nước Úc ở thời điểm tháng 3-2018 về phán quyết của Tòa trọng tài liên quan tới vụ kiện của Philippines trong đoạn “Cách tiếp cận của Úc”, rằng Úc không có tranh chấp trực tiếp, không đứng về phía nào, chống việc thay đổi nguyên trạng, quân sự hóa các đảo và ủng hộ tự do hàng hải - hàng không. Đặc biệt, Úc muốn tranh chấp được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế và khẳng định quan điểm “phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông là chung cuộc và có tính ràng buộc đối với cả hai bên”. Đây thậm chí là một lập trường còn quyết đoán hơn so với chính ASEAN (tháng 8-2017, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã không đề cập đến phán quyết trong tuyên bố chung). Sự hiệp lực của Úc lúc này, vì thế, thực sự quý giá hơn bao giờ hết. ■ Tags: ASEANÚc ASEANNhững mối lo chung
Bầu cử Mỹ: Cử tri Mỹ bắt đầu đến phòng phiếu DUY LINH 05/11/2024 Chiều tối nay 5-11 (giờ Việt Nam), những điểm bỏ phiếu đầu tiên tại các bang miền đông Mỹ bắt đầu mở cửa. Đây sẽ là thời khắc cử tri đưa ra quyết định cuối cùng cho sự kiện 4 năm một lần.
Quốc lộ 51 bỗng nhiên 'vô chủ': Đề nghị Bộ Tài chính xác lập quyền sở hữu toàn dân ĐỨC PHÚ 05/11/2024 Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính sớm xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với dự án BOT quốc lộ 51.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Cứu học sinh đang chới với giữa nước lũ, người đàn ông bị lũ cuốn mất tích QUỐC NAM 05/11/2024 Người đàn ông tại Quảng Bình bị lũ cuốn mất tích khi lao xuống nước lũ cứu một học sinh đang chới với.