Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân tại sân bay quốc tế Ninoy Aquino - Ảnh: TTXVN |
Trước đó, tại họp báo ở trung tâm báo chí quốc tế bên trong khách sạn Conrad chiều 28-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar cho biết trong hai phiên họp toàn thể và họp hẹp, lãnh đạo các nước thành viên sẽ thảo luận một loạt vấn đề như củng cố Cộng đồng ASEAN, theo đuổi tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, thúc đẩy quan hệ đối ngoại, thảo luận các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Kể cả khi Philippines là nước chủ nhà thì hội nghị cũng có sự tham gia của các nước thành viên ASEAN khác, và Philippines không thể hoàn toàn làm ngơ lập trường của họ. Vì vậy, nhiều khả năng ASEAN vẫn sẽ nêu vấn đề Biển Đông trong tuyên bố chung của mình, nhưng với lời lẽ chung chung hơn các năm trước để dung hòa lập trường của hai bên |
Tiến sĩ LÊ HỒNG HIỆP (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Viện ISEAS - Yusof Ishak, Singapore) |
Lo ngại về diễn biến phức tạp trên Biển Đông
Trong ngày 28-4, tại Trung tâm hội nghị quốc tế (PICC) ở Manila, bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã tham dự các hội nghị bộ trưởng gồm Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM), Hội đồng cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN (APSC) lần thứ 15 và Hội đồng điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 19 nhằm rà soát toàn bộ công tác chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN 30.
Tại cuộc họp báo chiều 28-4, ông Robespierre Bolivar cho biết tại các cuộc họp trên, khi thảo luận các vấn đề quốc tế khu vực cùng quan tâm, các ngoại trưởng đã đề cập các diễn biến căng thẳng gần đây trên bán đảo Triều Tiên, tình hình ở Biển Đông, tội phạm xuyên quốc gia, các vấn đề môi trường và chủ nghĩa khủng bố.
Ông Robespierre Bolivar chỉ thông báo chi tiết tuyên bố của các ngoại trưởng ASEAN về tình hình ở bán đảo Triều Tiên bằng văn bản soạn sẵn, và kết thúc buổi họp báo trong sự ngỡ ngàng của hàng trăm phóng viên khi từ chối nhận các câu hỏi từ cử tọa.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại các hội nghị ngày 28-4, ngoại trưởng các nước ASEAN cũng đã thảo luận chi tiết về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Theo đó, các bên tái khẳng định quyết tâm thúc đẩy xây dựng khung Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC) với mục tiêu đạt được một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông thực chất, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Phát biểu về tình hình Biển Đông, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ lo ngại của các nước về các diễn biến phức tạp trên thực địa ở Biển Đông, trong đó có việc tôn tạo các thực thể trên biển và các hoạt động quân sự hóa Biển Đông.
Phó thủ tướng khẳng định các nước có trách nhiệm đóng góp cho hòa bình ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông, cam kết giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982), các tiến trình ngoại giao và pháp lý trong khu vực; không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Phó thủ tướng hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc tiếp tục các nỗ lực trong thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC) mà ASEAN và Trung Quốc ký kết năm 2002, hướng tới xây dựng COC có hiệu lực cả về pháp lý lẫn thực tiễn.
“Giảm tông” về tranh chấp?
Một vài ngày trước hội nghị, nội dung dự thảo tuyên bố chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 của nước chủ nhà Philippines đã bị rò rỉ cho báo chí, trong đó tiết lộ khối ASEAN sẽ thông qua một tuyên bố “nhẹ tông” hơn bình thường về vấn đề tranh chấp Biển Đông, bao gồm tránh đề cập việc quân sự hóa hay xây đảo.
Thay vào đó, theo CNN Philippines, dự thảo bản tuyên bố chỉ yêu cầu các thành viên trong khối tuân thủ luật pháp quốc tế và các tiến trình pháp lý. Ngoài ra, tuyên bố này cũng không đề cập kết quả phán quyết của Tòa trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc vào ngày 12-7-2016.
Tuy nhiên, ông Robespierre Bolivar khẳng định tuyên bố này có thể thay đổi trong ngày khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 vào ngày 29-4.
Hôm 27-4, trả lời báo chí, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho rằng thật vô nghĩa khi đề cập các hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông tại Hội nghị cấp cao ASEAN 30 và không ai dám gây áp lực đối với Bắc Kinh về vấn đề này. Khi phóng viên hỏi ASEAN sẽ làm gì để đối phó với Trung Quốc, ông Duterte cho rằng “đối thoại là lựa chọn duy nhất”.
Bình luận với Tuổi Trẻ về việc Biển Đông sẽ được thảo luận như thế nào tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần này, ông Keith Leong của KRA Group (Malaysia) cho biết sẽ khó có tiến triển về vấn đề tranh chấp Biển Đông khi các quốc gia ASEAN vẫn còn bất đồng về vấn đề này.
“Tổng thống Philippines đã thực hiện cách tiếp cận vô cùng thực dụng đối với tranh chấp Biển Đông. Sẽ thú vị nếu như ông ấy thuyết phục các nước trong khối có cách tiếp cận tương tự như thế tại hội nghị cấp cao lần này” - ông Keith Leong nói.
Cam kết xét xử công bằng với Đoàn Thị Hương Bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN tại Manila ngày 28-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Malaysia Najib Razak. Hai nhà lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh quan hệ hợp tác ở những lĩnh vực thương mại, đầu tư, dầu khí… và đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 20 tỉ USD vào năm 2020. Ngoài ra, Thủ tướng Malaysia nói rõ sẽ đảm bảo quy trình tố tụng, xét xử trường hợp nghi can Đoàn Thị Hương diễn ra công bằng, cam kết bảo đảm các quyền hợp pháp của nghi can này. Hồi tháng 2 năm nay, Đoàn Thị Hương bị bắt và điều tra do nghi liên quan tới cái chết của một người được cho là ông Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận