Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tại hội nghị ở Philippines ngày 24-10 - Ảnh: Reuters
Theo Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã tiếp xúc với người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen bên lề Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) đang diễn ra tại Philippines.
Hai bên đã thảo luận các sáng kiến mang tính thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ ASEAN - Trung Quốc, bên cạnh đó là tổ chức cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên giữa hai bên, thông cáo Bộ Quốc phòng Singapore cho biết.
"Singapore ủng hộ sáng kiến này. Chúng tôi sẽ thúc đẩy nó vì đây là điều tất cả các nước ASEAN và Trung Quốc cùng mong muốn. Nếu anh tập trận chung, ít nhất anh sẽ xây dựng được sự thấu hiểu và tin tưởng lẫn nhau" - Bộ trưởng Ng tuyên bố trước báo giới.
Chi tiết về cuộc tập trận, bao gồm vị trí, sẽ được thống nhất sau, theo ông Ng.
Dù thông tin chưa có nhiều, giới quan sát dự báo quân đội các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ tiến hành các hoạt động phi chiến đấu, chẳng hạn như dẫn đường, trao đổi tín hiệu, tìm kiếm và cứu nạn...
Cuộc tập trận cũng là dấu hiệu cho thấy 10 thành viên ASEAN và Trung Quốc đang xích lại gần nhau hơn.
"Đây là một dấu mốc" - giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia quốc phòng Úc, nhận xét. "Trung Quốc đang chào mời sự hợp tác, và thông điệp là: Liệu các anh có đối xử với chúng tôi như Nhật Bản, Mỹ, Úc và các nước khác?" - ông Thayer diễn giải thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn chụp ảnh cùng Tổng thống Philippines Duterte tại Pampanga ngày 24-10 - Ảnh: Reuters
Trung Quốc thời gian qua đã tăng cường hợp tác quốc phòng với nhiều nước Đông Nam Á, ví dụ như cung cấp súng trường và đạn dược cho Philippines để chống khủng bố, ma túy; ký hợp đồng quốc phòng 278 triệu USD với Malaysia...
Bắc Kinh và ASEAN cũng đã thông qua dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hồi tháng 8, dự kiến sẽ chốt vào cuối năm nay.
Ông Chin Hao Huang, chuyên gia quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nhận xét cuộc tập trận chung ASEAN - Trung Quốc có thể nhằm ứng dụng vào thực tế Bộ quy tắc ứng xử cho các cuộc chạm trán bất ngờ trên biển (CUES) tại Biển Đông.
"Có một lợi ích tập thể trong việc các nước ASEAN đoàn kết sức ảnh hưởng lại nhằm bảo đảm các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông phù hợp với lợi ích khu vực" - ông Huang bình luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận