22/02/2021 08:40 GMT+7

ASEAN sẽ nhóm họp đặc biệt về Myanmar

Ý NGUYÊN
Ý NGUYÊN

TTO - Hôm nay 22-2, Liên minh châu Âu dự kiến nhóm họp bàn về các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền quân sự ở Myanmar. Trung Quốc trong khi đó đã mở lời phối hợp với ASEAN giải quyết vấn đề.

ASEAN sẽ nhóm họp đặc biệt về Myanmar - Ảnh 1.

Người dân Myanmar thắp nến tối 21-2 ở thành phố Yangon để tưởng niệm cô gái 20 tuổi Mya Thwate Thwate Khaing bị bắn chết trong cuộc biểu tình ở thủ đô Naypyitaw trước đó - Ảnh: AFP

"Điều Trung Quốc muốn là một giải pháp cho Myanmar với ASEAN đóng vai trò trung tâm. Đây là một sự lựa chọn thiết thực.

Xu Liping (Viện nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc)

"Tôi lên án việc sử dụng bạo lực gây chết người tại Myanmar. Việc sử dụng bạo lực dẫn đến chết người, việc sử dụng bạo lực đe dọa và quấy rối những người biểu tình ôn hòa là không thể chấp nhận được". 

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) - ông Antonio Guterres đã viết những dòng lên án đanh thép trên Twitter vào lúc rạng sáng 21-2. "Mỗi người dân có quyền tụ tập trong ôn hòa. Tôi kêu gọi các bên tôn trọng kết quả bầu cử và trở lại với chính quyền dân sự".

Thêm 2 người biểu tình thiệt mạng

Vào ngày 4-2, Hội đồng Bảo an LHQ, với sự nhất trí của 15 thành viên đã ra tuyên bố kêu gọi thả bà Aung San Suu Kyi và một số quan chức bị quân đội Myanmar bắt giữ, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình trạng khẩn cấp ở nước này. Hội đồng Bảo an cũng khuyến khích đối thoại và hòa giải theo ý nguyện và lợi ích của người dân Myanmar.

Đến ngày 15-2, đặc phái viên LHQ về Myanmar, bà Christine Schraner Burgener cũng đã có cuộc điện đàm với nhân vật số 2 của chính quyền quân sự Myanmar là phó tổng tư lệnh quân đội Soe Win. 

Bà Burgener đã cảnh báo quân đội Myanmar về những "hậu quả nghiêm trọng" từ bất kỳ phản ứng mạnh tay đối với người biểu tình phản đối cuộc chính biến.

Dường như những cảnh báo lẫn đe dọa trừng phạt từ LHQ và các nước phương Tây không làm chính quyền quân sự ở Myanmar lay chuyển việc ngăn chặn các cuộc biểu tình của người dân. 

Theo truyền thông quốc tế, chiều 20-2 lại có thêm 2 người biểu tình thiệt mạng ở thành phố Mandalay thuộc miền trung Myanmar. Hàng trăm cảnh sát đã được triển khai ở nhà máy đóng tàu tại thành phố lớn thứ hai của Myanmar. 

Một số nhân chứng trong lực lượng cấp cứu cho biết còn có khoảng 30 người biểu tình bị thương do trúng đạn, trong đó đến phân nửa là trúng đạn thật của bên cảnh sát.

Trong ngày 20-2, ông Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), đã kêu gọi quân đội là cảnh sát Myanmar chấm dứt ngay các hành động bạo lực nhắm vào thường dân và cho biết EU sẽ có "các quyết định thích hợp". 

Các ngoại trưởng EU dự kiến nhóm họp vào hôm nay (22-2) để thảo luận về các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền của thống tướng Min Aung Hlaing - tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar.

Vai trò của Trung Quốc và ASEAN

Cho đến nay chỉ có Mỹ, Canada và Anh công bố các biện pháp trừng phạt nhắm vào một số tướng lĩnh được cho là có trách nhiệm trong cuộc "đảo chính" ngày 1-2 lật đổ chính quyền dân bầu (nhưng bên quân đội cho rằng "có gian lận"). 

Trung Quốc và Nga cho đến nay vẫn tuyên bố cuộc khủng hoảng đang xảy ra là "chuyện nội bộ" của Myanmar.

Theo báo South China Morning Post, ngày 19-2 Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã điện đàm với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi về tình hình Myanmar và phối hợp lập trường trong vấn đề này. 

Ông Vương Nghị nói rõ cả Trung Quốc và ASEAN đều quan tâm đến tình hình ở Myanmar cũng như việc khôi phục và duy trì hòa bình, ổn định ở quốc gia này. 

Ngoài ra Trung Quốc ủng hộ ASEAN phát huy vai trò phù hợp trong việc xoa dịu tình hình hiện tại ở nước thành viên Myanmar theo Phương thức ASEAN, triệu tập cuộc họp ngoại trưởng không chính thức, tuân thủ nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của nước khác và xây dựng đồng thuận để có được những tiếp xúc sớm cũng như trao đổi cụ thể với phía Myanmar.

Ngoại trưởng Retno cũng khẳng định tuân thủ nguyên tắc "không can thiệp" của ASEAN nhưng mong muốn có "những tiếp xúc mang tính xây dựng" với Myanmar để chấm dứt bạo lực, ổn định tình hình và tiếp tục công cuộc chuyển tiếp dân chủ.

Trước đó Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã đồng ý tổ chức một cuộc họp đặc biệt các ngoại trưởng ASEAN để thảo luận về cuộc khủng hoảng hiện nay của quốc gia thành viên trong tổ chức. Đề nghị này cũng được quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah ủng hộ.

Brunei hiện là quốc gia chủ tịch ASEAN trong năm 2021. Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao Brunei Dato Erywan Pehin Yusof, ông Vương Nghị cho biết Bắc Kinh ủng hộ mong muốn của ASEAN đóng vai trò mang tính xây dựng trong cuộc khủng hoảng tại Myanmar hiện nay.

Người dân Myanmar đưa tiễn Người dân Myanmar đưa tiễn 'nữ anh hùng tuổi 20'

TTO - Tiếng kinh kệ vang khắp thủ đô Naypyidaw và vài thành phố khác của Myanmar khi đoàn xe tang chở quan tài Mya Thwate Thwate Khaing lăn bánh. Cô gái 20 tuổi trở thành một biểu tượng của sự phản kháng sau khi trúng đạn trong biểu tình.

Ý NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên