30/04/2017 14:48 GMT+7

ASEAN quan ngại về Biển Đông

QUỲNH TRUNG - LÊ NAM từ Manila
QUỲNH TRUNG - LÊ NAM từ Manila

TTO - Tính đến 22h15 ngày 29-4 (giờ địa phương), Philippines, nước chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEAN lần 30, vẫn chưa phát tuyên bố chủ tịch như dự kiến.

Trưa 29-4, lãnh đạo các nước ASEAN chụp hình lưu niệm tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 ở Manila, Philippines - Ảnh: LÊ NAM
Trưa 29-4, lãnh đạo các nước ASEAN chụp hình lưu niệm tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 ở Manila, Philippines - Ảnh: LÊ NAM

Nguyên nhân được cho là lãnh đạo các nước ASEAN còn tranh cãi về câu từ đề cập tranh chấp Biển Đông trong tuyên bố.

Cùng ngày, Reuters dẫn hai nguồn tin ngoại giao ASEAN tiết lộ thông tin Bắc Kinh đã “vận động hành lang” chủ nhà Philippines không đưa hai cụm từ “quân sự hóa” và “xây đảo” vào trong tuyên bố chủ tịch.

Dự thảo tuyên bố này đã bị rò rỉ cho báo chí một vài ngày trước, trong đó đúng là không đề cập hai cụm từ trên.

Sau đó, Reuters cho biết bốn nước ASEAN (không nói rõ quốc gia nào) đã gây áp lực buộc Philippines phải đề cập “quân sự hóa” và “xây đảo” vào trong bản tuyên bố chủ tịch cuối cùng.

Gần đây, ông Duterte nói rằng thật vô nghĩa khi nói về Biển Đông vì sẽ không đi đến đâu.

Dĩ nhiên tôi không đồng ý với quan điểm của ông Duterte nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng những lời nói của ông Duterte đã cho thấy tình trạng trên Biển Đông phức tạp như thế nào và Trung Quốc đã chi phối ra sao

Chuyên gia SHAHRIMAN LOCKMAN từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Malaysia

Ông Duterte phớt lờ Biển Đông

Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 tại Trung tâm hội nghị quốc tế (PICC) ở thủ đô Manila, Tổng thống nước chủ nhà Philippines Rodrigo Duterte không đề cập chữ nào đến tranh chấp Biển Đông bất chấp thực tế Bắc Kinh gần như hoàn tất các công trình xây dựng và quân sự hóa quy mô lớn trên ba đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa với đường băng, hệ thống rađa và nhiều hệ thống vũ khí hạng nặng.

Cụ thể, khi đề cập đến trụ cột chính trị - an ninh, ông Duterte chỉ nói chung chung: “Các vấn đề an ninh phi truyền thống và truyền thống là phép thử cách giải quyết của khối để thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng trong khu vực”.

Thay vào đó, ông Duterte dành nhiều lời phát biểu cho cuộc chiến chống ma túy do ông khởi xướng mà cho đến nay đã lấy đi hàng ngàn mạng sống, bị các tổ chức nhân quyền và phương Tây liên tục chỉ trích.

Trong buổi họp báo tối cùng ngày, Tổng thống Duterte khẳng định lãnh đạo các nước ASEAN không đề cập tranh chấp ở Biển Đông trong cuộc họp.

“Không có cụm từ nào ám chỉ đến [Biển Đông]” - ông Duterte nói với các phóng viên đưa tin Hội nghị cấp cao ASEAN tại Manila.

Ông Duterte cho biết các lãnh đạo chỉ thảo luận việc thúc đẩy hoàn thành khung của Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Khi phóng viên hỏi lãnh đạo ASEAN có thảo luận cách đối phó với việc cải tạo đất và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông không, ông Duterte nói các hoạt động xây dựng của Trung Quốc không có trong nghị trình tại cuộc họp lần này.

“Chúng tôi không bao giờ nói về việc xây dựng. Sẽ là vô ích khi nói về các hoạt động xây dựng mở rộng của Trung Quốc bởi các cấu trúc đã được xây rồi” - ông Duterte nói.

Sớm tiến tới xây dựng một COC hiệu quả

Tuy nhiên, trái ngược với tuyên bố của Tổng thống Duterte rằng vấn đề Biển Đông không được các lãnh đạo ASEAN đề cập tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần 30, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết trong phiên họp hẹp chiều 29-4 khi bàn về tình hình thế giới và khu vực, các nhà lãnh đạo đã bày tỏ quan ngại đối với những diễn biến phức tạp như tình hình căng thẳng liên quan đến bán đảo Triều Tiên, các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông và nguy cơ khủng bố lan rộng.

Do đó các lãnh đạo cho rằng ASEAN đứng trước yêu cầu cần có tiếng nói chung mạnh mẽ, phát huy vai trò tích cực và đóng góp vào nỗ lực chung duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Các lãnh đạo cũng khẳng định cần tiếp tục thúc đẩy hoàn tất khung của COC vào giữa năm nay, tạo điều kiện sớm tiến tới xây dựng một COC hiệu quả.

Để đối phó với những chuyển biến sâu sắc của tình hình quốc tế và khu vực trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra ba đề xuất cụ thể, bao gồm:

1. ASEAN cần đề cao trách nhiệm của thành viên và tinh thần cộng đồng, nhất là lập trường chung về các vấn đề quốc tế và khu vực, hướng tới một cộng động ASEAN có vai trò và trách nhiệm trên trường quốc tế;

2. ASEAN cần đi đầu trong việc đề cao, tuân thủ luật pháp quốc tế và những nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế, phù hợp với mục tiêu của ASEAN xây dựng một cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ;

3. ASEAN cần nâng cao hiệu quả hợp tác với các đối tác, chú trọng các hoạt động thực chất, tăng cường hiệu quả các cơ chế đối thoại của ASEAN.

* TS Trương Minh Huy Vũ (giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế - SCIS, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM):

Nền tảng pháp lý cao nhất

Mục tiêu của ASEAN đối với COC là gắn Trung Quốc vào một “luật chơi chung”, một thể chế có ràng buộc, qua đó Trung Quốc giới hạn hành vi hung hăng của mình nhằm giải quyết các tranh chấp.

Nếu hai bên cùng định nghĩa cách chơi ở quần đảo Trường Sa dựa trên phán quyết của Tòa trọng tài ngày 12-7-2016 sẽ là một thắng lợi lớn của ASEAN vì phán quyết của Tòa trọng tài cho đến nay là nền tảng pháp lý cao nhất khi nói về tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có định nghĩa cụ thể về đảo đá, các hành động trái phép, bảo vệ tài nguyên, môi trường...

QUỲNH TRUNG - LÊ NAM từ Manila
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên