"Nguyễn Thị Oanh của ASEAN Para Games"
Nói về thành công, kình ngư 37 tuổi Trịnh Thị Bích Như đã "gây bão" với năm lần xuống nước giành 5 HCV và phá 3 kỷ lục.
Bạn bè còn ví cô là "Nguyễn Thị Oanh của ASEAN Para Games" khi phải thi đấu ba nội dung sở trường chỉ trong một buổi, trong đó hai nội dung đầu chỉ cách nhau chưa đầy 30 phút.
Bích Như chia sẻ: "Việc thi đấu cường độ cao liên tục khiến tôi rất mệt. Nhưng tôi muốn cống hiến cho bơi lội đến khi nào còn có thể. Dù bận bịu với cơm áo gạo tiền nhưng tôi biết ơn bơi đã giúp mình hòa nhập được giữa cuộc đời dù đôi chân không lành lặn".
Nhưng tâm đắc nhất có lẽ là tâm sự của nữ lực sĩ Châu Hoàng Tuyết Loan. Dù đã 48 tuổi nhưng cô đã giành HCV và phá kỷ lục hạng cân 55kg nữ với đòn tạ 105kg.
Đó cũng là lần thứ 10 Tuyết Loan phá kỷ lục liên tục từ năm 2005 dù phải mất thời gian dài để chiến thắng căn bệnh ung thư năm 2010. Tuyết Loan nói: "Đối thủ lớn nhất của tôi không phải những người thi đấu cùng. Mục tiêu của tôi cũng là phá kỷ lục của chính mình".
Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh - phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - chia sẻ thêm: "Tôi nhớ mãi câu chuyện của VĐV cờ vua Trần Thị Bích Thủy chẳng may phải đi cấp cứu khi vừa sang Campuchia.
Biết mình phải mổ nhưng Thủy vẫn xin chỉ bỏ một nội dung cờ nhanh, mổ xong cho thi đấu tiếp hai nội dung còn lại. Câu nói thể hiện ý chí tuyệt vời của người khuyết tật Việt Nam. Nhưng vì vấn đề y tế, Thủy đã được đưa ngược về Việt Nam làm phẫu thuật trong đêm nên phải chia tay sớm với ASEAN Para Games".
Nên tạo cơ hội cho nhiều người khuyết tật tiếp cận thể thao
Theo thống kê của chủ nhà Campuchia, Thái Lan là đoàn có số lượng đông nhất với 629 thành viên, tức gần bốn lần Việt Nam (160 thành viên). Tiếp theo là Indonesia (580 thành viên), chủ nhà Campuchia (343 thành viên), Malaysia (290 thành viên), Philippines (272 thành viên)...
Ở kỳ đại hội này, đoàn Việt Nam cử quá ít VĐV dự thi. Do chỉ tinh chọn những VĐV đã có thành tích nên không có nhiều người được đi. Trong số đó có không ít VĐV đã phải tự tập luyện thời gian dài mà không có chế độ gì khi chuẩn bị dự ASEAN Para Games 12.
Điều này tuy giúp tiết kiệm kinh phí nhưng sẽ là rào cản người khuyết tật đến với thể thao. Trong tương lai, Tổng cục TDTT và Hiệp hội Paralympic Việt Nam còn có nhiều biện pháp để tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận thể thao nhiều hơn nữa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh nói: "Chúng ta luôn mong muốn nhiều người khuyết tật đến với thể thao nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
Trong tương lai, thể thao người khuyết tật rất cần sự quan tâm, chung tay của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm".
Nếu công tác xã hội hóa trong thể thao người khuyết tật được đẩy mạnh thì sẽ giúp chia sẻ gánh nặng kinh phí với Nhà nước để đưa được nhiều VĐV đi thi đấu, hòa nhập và giao lưu với bạn bè quốc tế.
Việt Nam xếp thứ ba toàn đoàn
Đoàn Việt Nam đã xếp thứ ba toàn đoàn tại ASEAN Para Games 12 với tổng cộng 201 huy chương, trong đó có 66 HCV, 58 HCV và 77 HCĐ. Trong đó, kình ngư Danh Hòa được xem là thành công nhất khi góp công mang về 6 HCV cho Việt Nam.
Trưởng đoàn Việt Nam Nguyễn Hồng Minh đánh giá: "Chủ nhà Campuchia đã tổ chức kỳ ASEAN Para Games khá thành công. Họ chu đáo trong hậu cần lẫn chuyên môn nên không có nhiều khiếu kiện. Với đoàn Việt Nam, dù chỉ có 125 VĐV nhưng đã vượt chỉ tiêu đề ra với 66 HCV".
Ngôi đầu bảng xếp hạng thuộc về Indonesia với 159 HCV, 148 HCB và 94 HCV. Tiếp theo là Thái Lan với 126 HCV, 110 HCB và 92 HCĐ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận