Các nội dung được thảo luận tại Hội nghị cấp cao ASEAN 43 bao trùm nhiều lĩnh vực, trong đó có thiết lập tầm nhìn dài hạn cho khu vực, tăng cường khả năng tự cường của ASEAN trước những thách thức thời đại, thúc đẩy ASEAN thành trung tâm kinh tế của thế giới, và củng cố Thái Bình Dương trở thành một khu vực hòa bình, an toàn và phi hạt nhân.
Đáng chú ý, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng thúc đẩy thông qua sáng kiến của Indonesia là Tuyên bố hòa hợp ASEAN IV. Văn kiện này đóng vai trò như "chiến lược dài hạn" cho Tầm nhìn cộng đồng ASEAN năm 2045, qua đó giúp tăng cường liên kết nội khối và củng cố vai trò của ASEAN trong giải quyết các thách thức chung.
Rõ ràng, các tham vọng của hiệp hội song hành với những thách thức. Trước đó, tại lễ khai mạc Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khẳng định quyết tâm của hiệp hội: "Tất cả chúng ta đều nhận thức được nhiều tình huống khó khăn trong khu vực. Nhưng chúng ta không thể để chúng ảnh hưởng đến nỗ lực của khối tại hội nghị cấp cao lần này".
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết, và triển vọng kinh tế toàn cầu còn khá ảm đạm thì tuyên bố của phía Indonesia thể hiện khát vọng củng cố vai trò trung tâm của khối và tăng cường năng lực tự chủ chiến lược của tổ chức.
Với ASEAN, đồng thuận là chất keo gắn bó các thành viên trong nỗ lực chung nhằm giải quyết khủng hoảng ở Myanmar. Trong bài phát biểu khai mạc cuộc họp Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 34 vào ngày 4-9, Ngoại trưởng Retno đã kêu gọi ASEAN đoàn kết hơn nữa để ứng phó với các thách thức: "Việc ASEAN có thể tiến lên hay không hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta... Nhưng tôi nghĩ tất cả chúng ta ở đây đều biết rằng uy tín và tầm quan trọng của ASEAN đang bị đe dọa".
Để hiện thực hóa nỗ lực trên, các nhà lãnh đạo ASEAN vừa khẳng định quyết tâm thúc đẩy thực thi đồng thuận 5 điểm về Myanmar, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác giữa các thành viên ASEAN và giữa ASEAN với các nước láng giềng nhằm giải quyết khủng hoảng Myanmar và các hệ lụy của nó.
Bên cạnh nỗ lực trên, ASEAN cần có thêm những nỗ lực khác để vừa duy trì vai trò trung tâm, vừa thúc đẩy nỗ lực giải quyết khủng hoảng Myanmar.
Thứ nhất, ASEAN cần tận dụng hội nghị lần này để kêu gọi các đối tác cùng chung tiếng nói về tầm nhìn của hiệp hội đối với hòa bình và an ninh khu vực, theo đó là đề xuất các sáng kiến để làm "hạ nhiệt" khủng hoảng Myanmar. Trên thực tế, vai trò của ASEAN đang gia tăng và lời kêu gọi của ASEAN là khả thi.
Thứ hai, các nhà lãnh đạo ASEAN nên thông qua ngoại giao kênh II - kênh ngoại giao với sự tham gia của các chuyên gia, học giả, nhà báo, thương nhân, các nhà tư vấn chiến lược, cùng các chính trị gia trong tư cách "cá nhân" hay không chính thức (không đại diện cho chính phủ), để thúc đẩy việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Myanmar.
Thực tế, ngoại giao kênh II giúp xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại và tăng cường hợp tác trên nhiều mặt. Kết quả của nó có thể giúp giảm thiểu xung đột và thúc đẩy các tương tác đa chiều nhằm mang lại hòa bình cho các điểm nóng an ninh.
Hợp tác liên khu vực thông qua hình thức ngoại giao này có thể là khởi đầu cho các kế hoạch hợp tác chặt chẽ hơn giữa các bên liên quan. Tuy nhiên cũng cần giữ cho các kỳ vọng thực tế và tập trung vào các mục tiêu có thể đạt được trong ngắn hạn.
Với ASEAN, giải quyết khủng hoảng Myanmar là nhiệm vụ đầy thách thức. Nhưng hội nghị ASEAN lần này, với sự tham gia của nhiều chủ thể, mang đến cơ hội để hiệp hội đạt được mục tiêu kép: củng cố vai trò trung tâm và thúc đẩy giải pháp cho vấn đề Myanmar.
Nỗ lực tập thể cùng sự sáng tạo và năng động là chìa khóa để ASEAN đạt được các mục tiêu này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận