ASEAN: Một tuần lễ khác thường

DANH ĐỨC 14/05/2023 10:21 GMT+7

TTCT - Hai sự kiện lớn với khối ASEAN vừa diễn ra: cuộc tập trận hải quân đầu tiên với Ấn Độ và hội nghị thượng đỉnh bản lề ở Indonesia.

Chủ nhật 7-5, mọi sự vẫn bình thường, an lành và giao hảo. Global Times đăng hai bức ảnh đường phố Jakarta trang hoàng nhân Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 2023. Thế rồi sáng thứ hai 8-5, có tin tàu Trung Quốc đeo bám đội tàu hải quân ASEAN - Ấn Độ đang thao diễn. Vụ này diễn ra ngay lúc ASEAN đang hội họp.

Ảnh: AFP

Ảnh: AFP

8h44' sáng chủ nhật 7-5, Global Times còn chạy tít biểu thị sự trân trọng cùng phương hướng hợp tác đầy kỳ vọng: "Hội nghị thượng đỉnh ASEAN dự kiến sẽ nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế, tính trung tâm của ASEAN, và phi đô la hóa". 

Ba vấn đề tờ báo đối ngoại của Trung Quốc nêu ra đó nhất định cũng là những câu hỏi mà lãnh đạo các nước ASEAN đang cùng nhau tìm câu trả lời chung - một tâm thế khá "đồng cảm" với ASEAN.

Thượng đỉnh bàn gì

Cùng khoảng thời gian đó, hôm thứ bảy 6-5 tại Jakarta, Hội đồng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AECC) nhóm họp lần thứ 22 để thảo luận về vai trò của ASEAN trong các động lực địa chính trị và địa kinh tế hiện tại. 

Edi Prio Pambudi, phó điều phối viên của Bộ Hợp tác kinh tế quốc tế Indonesia, cho biết bên lề cuộc họp: "Chắc chắn chúng ta sẽ nhắc lại Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Từ đó để nhìn nhận vai trò của ASEAN trong xử lý các tình huống địa chính trị và địa kinh tế hiện giờ". 

Phiên họp hai ngày của AECC thuộc chuỗi hoạt động mở màn cho Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 42 sẽ diễn ra tại Labuan Bajo (Đông Nusa Tenggara), từ ngày 9 tới 11-5.

Trong một góc nhìn nào đó, cuộc họp AECC có thể coi là một "review" tình hình cuối cùng, trước khi các bộ trưởng rồi nguyên thủ quốc gia họp. 

Quả thật, tình hình thế giới và khu vực tháng 5-2023 này đang trong một dòng xoáy những động lực mới, đại dịch COVID-19 vừa xong, khủng hoảng từ cuộc chiến Nga - Ukraine lại nổ ra, rồi lạm phát lan tràn, và kinh tế thế giới bất ổn chưa từng thấy kể từ năm 2008.

Qua thứ hai 8-5, khai diễn Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN (ASEAN Senior Officials Meeting, tức SOM). SOM là cuộc họp tiền trạm để chốt lại những vấn đề quan trọng mà các nhà lãnh đạo cao nhất của ASEAN sẽ thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh 2023.

Ảnh: asean2023.id

Ảnh: asean2023.id

Sự cố trước thượng đỉnh

Vào lúc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 2023 sắp sửa khai diễn, trên Biển Đông, cuộc diễn tập hàng hải đầu tiên giữa ASEAN và Ấn Độ AIME - 2023 cũng đang diễn ra "ngon trớn". 

Sau giai đoạn 1 từ ngày 2 tới 4-5 (giai đoạn trên cảng, ở căn cứ hải quân Changi của Singapore), tới giai đoạn 2 trên biển từ 7 tới 8-5 ở biển Đông. Cuộc diễn tập có sự tham gia của 9 tàu chiến, 6 máy bay và hơn 1.800 người từ các nước ASEAN và Ấn Độ. 

Trong 10 quốc gia ASEAN, Singapore, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam tham gia; Myanmar, Campuchia và Lào không gửi tàu hoặc máy bay tham dự.

Đang yên ả thì rộ lên tin tàu Trung Quốc áp sát các tàu chiến ASEAN - Ấn Độ tham gia cuộc diễn tập nói trên từ nhiều nguồn khác nhau ở Ấn Độ, Philippines và Malaysia. 

Ví dụ, trang tin Ấn Độ swarajyamag.com đã hỏi Bộ Quốc phòng nước này và được khẳng định "hoạt động của Trung Quốc đang được theo dõi". Thậm chí có bình luận đặt câu hỏi liệu đây có phải là "hoạt động tác chiến vùng xám?" của Trung Quốc, tức hoạt động áp chế mà không nhất thiết dẫn tới chiến tranh.

Tất cả dựa vào nguồn tin phát đi lúc 6h7' sáng 8-5 trên tài khoản Twitter của Ray Powell - nhà nghiên cứu của Trung tâm Cải tiến an ninh quốc gia Gordian Knot thuộc Đại học Stanford (Mỹ), phụ trách dự án Myoushu (biển Nam Hải). 

Sáng hôm đó, ông này post lên một phát hiện đột xuất từ ảnh vệ tinh: "5 tàu dân quân biển Trung Quốc dường như đã rẽ ngang khi đang được triển khai đến Trường Sa và đi thẳng vào tuyến hoạt động của đội hình 7 tàu ASEAN - Ấn Độ đang diễn tập hàng hải". 

Mẩu tweet này đính kèm ảnh vệ tinh chỉ rõ nhóm tàu ASEAN - Ấn Độ, quốc tịch và tên tàu, số hiệu cùng tọa độ mỗi chiếc, hướng di chuyển, với tốc độ bình quân 11 hải lý/giờ. Các tàu xuất hiện trên ảnh, theo Powell, là của hải quân Thái Lan, Brunei, Indonesia, Ấn Độ, Philippines và Việt Nam.

Một mẩu tweet khác cũng của Powell cùng ngày: "Cập nhật 2: Khoảng 3,5 giờ trước, thêm 3 tàu dân quân biển Trung Quốc rời Đá Subi và đi về hướng tây nam theo hướng chung của đội hình diễn tập hàng hải ASEAN - Ấn Độ. Trong khi đó, nhóm 5 tàu dân quân biển đầu tiên hiện cách đội hình AIME 145km, vẫn đang trong hành trình ngăn chận".

ẢnH: scmp.com

ẢnH: scmp.com

Ý nghĩa gì khi Trung Quốc lộ diện

Trong ngày 8-5, Powell còn post thêm một số mẩu cập nhật mới. Từ những thông tin này, có thể thấy thoạt đầu số tàu dân quân biển của Trung Quốc chỉ là 5 chiếc, sau đó thêm 3 chiếc nữa, và có thể còn tăng thêm. Câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là các tàu này từ đâu mà ra? Mẩu cập nhật 2 của Powell nêu rõ là "từ Đá Subi".

Đá Subi là rạn san hô vòng thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa, nằm cách đảo Thị Tứ khoảng 26km về phía tây nam. 

Việc các tàu dân quân biển Trung Quốc nhanh chóng xuất hiện ngăn chặn đội tàu AIME là hậu quả của điều mà từ tháng 2-2022 báo chí quốc tế đồng loạt nhận định là "Trung Quốc đã hoàn tất việc quân sự hóa ba hòn đảo chính ở Trường Sa", từ tàu bè, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, radar, tên lửa phòng không, tên lửa diệt hạm... (ví dụ AP 21-3-2022).

Bởi vậy, số tàu dân quân biển Trung Quốc cử đi nói trên chỉ là "số lẻ" so với lực lượng của họ ở khu vực này và cũng chưa phải lực lượng chính quy dù là hải quân hay hải cảnh. Động thái cũng cho thấy Trung Quốc không muốn "làm to chuyện". 

Cần biết, hải đội Trung Quốc ở khu vực này, cả quân sự và lực lượng "vùng xám", có thể lên tới 300 chiếc tàu các loại, theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) 2021 tựa đề "Vén bức màn che lực lượng dân quân biển Trung Quốc".

Thực ra, Trung Quốc cũng khó "làm to chuyện" khi quyết định diễn tập này của hải quân ASEAN và Ấn Độ đã được công bố rộng rãi từ cách đây đúng một năm, nhân Hội nghị Quan chức cấp cao quốc phòng ASEAN (ADSOM), cũng như hội nghị đấy với các đối tác (ADSOM-Plus) ngày 18-5-2022. Báo Campuchia Phnom Penh Post 18-5-2022 cho biết cuộc diễn tập hải quân ASEAN - Ấn Độ nhằm tăng cường an ninh giữa hai phía, thúc đẩy tình đoàn kết và xây dựng "môi trường an ninh hài hòa".

Cuộc diễn tập cũng có mục đích thực hành trên thực tế Bộ quy tắc về các vụ va chạm ngoài ý muốn trên biển (CUES), một biện pháp xây dựng lòng tin và giảm khả năng xảy ra tai nạn hoặc tính toán sai lầm trong lĩnh vực hàng hải. 

CUES rất quan trọng vào lúc mà do những tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông, hải quân Trung Quốc đang thể hiện thói quen "xét giấy" tàu các quốc gia khác một cách bất hợp pháp, theo bình luận của thetribuneindia.com.

Như vậy, diễn tập hải quân ASEAN - Ấn Độ lần thứ nhất không nhằm đe dọa bất kỳ quốc gia nào, mà chỉ để xây dựng "an ninh hài hòa" ("for harmonious security") - từ ngữ được đưa ra sau ADSOM 2022 tại Phnom Penh. 

Hơn nữa, đây không phải lần đầu ASEAN diễn tập CUES với một đối tác ngoài khối. Cách đây 5 năm, vào đầu tháng 8-2018, hải quân ASEAN từng diễn tập nội dung này, và đối tác khi đó chính là... Trung Quốc, cũng do Singapore đăng cai tổ chức. 

Cuộc diễn tập lúc bấy giờ là kết quả của Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN - Trung Quốc hồi tháng 2-2018.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận