16/10/2021 13:07 GMT+7

ASEAN mất kiên nhẫn với Myanmar

DUY LINH
DUY LINH

TTO - 4 quốc gia sáng lập ASEAN kêu gọi không mời thống tướng Min Aung Hlaing đến hội nghị cấp cao của khối vào cuối tháng 10 nếu Myanmar tiếp tục trì hoãn thực hiện 'Đồng thuận 5 điểm' để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này.

ASEAN mất kiên nhẫn với Myanmar - Ảnh 1.

Thống tướng Min Aung Hlaing - người hiện là tổng tư lệnh quân đội và đứng đầu chính phủ tạm quyền Myanmar - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Tướng Min Aung Hlaing lên nắm quyền sau cuộc binh biến ngày 1-2-2021 và hiện đang đứng đầu chính phủ tạm quyền Myanmar gồm nhiều người của quân đội.

Mọi vấn đề liên quan đến các hội nghị đều được ASEAN thảo luận và quyết định trên cơ sở Hiến chương ASEAN, phù hợp với quy trình và thủ tục của ASEAN.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói tại họp báo ngày 7-10, cho biết công tác chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan đang được thúc đẩy.

Sức ép gia tăng

Ông Yusof, phái viên ASEAN, đồng thời là ngoại trưởng thứ hai của Brunei, muốn gặp nhà lãnh đạo bị phế truất Aung San Suu Kyi theo tinh thần "tiếp xúc tất cả các bên liên quan" cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar.

Đây là 1 trong 5 điểm mà các nhà lãnh đạo ASEAN và Myanmar đã đồng thuận trong cuộc họp đặc biệt cuối tháng 4-2021 tại Indonesia. Tuy nhiên, chính quyền quân sự Myanmar đã nhiều lần trì hoãn khiến một số nước sốt ruột lên tiếng hối thúc.

Trong tuyên bố ngày 15-10, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah nhấn mạnh ông không muốn có bất kỳ sự thỏa hiệp nào dẫn tới việc trì hoãn chuyến đi của ông Yusof.

"Nếu không có tiến triển nào, quan điểm của Malaysia vẫn vậy: chúng tôi không muốn vị tướng lĩnh đó tham dự hội nghị cấp cao ASEAN và sẽ không nhân nhượng" - ông Saifuddin nêu lập trường trước hội nghị trực tuyến các ngoại trưởng ASEAN ngày 15-10.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cũng nêu quan điểm tương tự trong một sự kiện trực tuyến do Viện Lowy (Úc) tổ chức ngày 14-10. Theo ông Locsin, uy tín của ASEAN sẽ bị ảnh hưởng nếu khối này nhượng bộ chính quyền quân sự Myanmar.

Nhà lãnh đạo ngoại giao Philippines thừa nhận quân đội có vai trò quan trọng ở Myanmar, giúp ngăn chặn tình trạng "vô chính phủ" nhưng bà Aung San Suu Kyi không thể bị gạt sang một bên.

Ít nhất 3 nguồn am hiểu vấn đề của Hãng tin Reuters cho biết Malaysia, Indonesia và Singapore đã thống nhất quan điểm không mời tướng Min Aung Hlaing nhưng sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ 6 nước còn lại.

Như vậy tính đến thời điểm hiện tại đã có 4/5 nước là thành viên sáng lập ASEAN hoặc công khai hoặc ngầm phát đi thông điệp không đồng thuận chính quyền quân sự Myanmar. Không chỉ ASEAN, chính quyền quân sự Myanmar còn đối mặt với sức ép từ Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Hội nghị giữa ngoại trưởng ASEAN và Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres dự kiến diễn ra ngày 8-10 đã bị hủy vào phút chót vì ông Guterres không muốn sự kiện được diễn giải như một sự công nhận chính quyền quân sự.

Myanmar nói gì?

Bất chấp sức ép của ASEAN, chính quyền quân sự Myanmar kiên quyết không đáp ứng yêu cầu gặp bà Aung San Suu Kyi với lý do nó vượt quá khuôn khổ cho phép của luật pháp sở tại.

Người phát ngôn của chính quyền Myanmar, ông Zaw Min Tun, khẳng định yêu cầu này nằm ngoài "Đồng thuận 5 điểm" và cho rằng sẽ không có quốc gia nào cho phép một đặc phái viên nước ngoài gặp gỡ "tội phạm đang bị xét xử".

"LHQ và các cơ quan khác nên tránh tiêu chuẩn kép trong các vấn đề quốc tế. Myanmar không phải là quốc gia duy nhất có chính phủ hiện tại nắm quyền sau một hành động quân sự. Một số quốc gia khác cũng y vậy nên LHQ phải đối xử tương tự nhau" - ông Zaw Min Tun nói về việc LHQ tiếp tục công nhận vị đại sứ do chính phủ của bà Aung San Suu Kyi bổ nhiệm là đại diện hợp pháp của Myanmar tại LHQ.

ASEAN đang chứng kiến những cơn sóng ngầm vì Myanmar, đặt ra các thách thức lớn chờ các nhà ngoại giao của khối hóa giải. Sẽ là một bước tiến đáng chú ý nếu ASEAN thống nhất không mời tướng Min Aung Hlaing đến cuộc họp cấp cao, bởi khối này coi trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước thành viên và nghiêng về các giải pháp ngoại giao hơn các lệnh trừng phạt.

ASEAN bàn việc có mời thống tướng Myanmar dự họp cấp cao không ASEAN bàn việc có mời thống tướng Myanmar dự họp cấp cao không

TTO - Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết, Malaysia không muốn nhà lãnh đạo quân đội Myanmar dự hội nghị cấp cao ASEAN cuối tháng này, nếu không có thêm tiến bộ nào về việc thực hiện kế hoạch hòa bình.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên