Binh sĩ đứng gác trên đường phố ở thủ đô Naypyidaw của Myanmar ngày 1-2 sau khi quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp - Ảnh: AFP
Ngày 1-2, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã lên tiếng kêu gọi Myanmar theo đuổi "đối thoại, hòa giải và quay lại tình trạng bình thường" sau khi quân đội Myanmar tiến hành đảo chính (theo cách gọi của Hãng tin Reuters) chống lại chính quyền dân sự.
"Chúng tôi nhắc lại rằng sự ổn định chính trị tại các nước thành viên ASEAN là cần thiết đối với việc đạt được một cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng" - ASEAN cho biết trong một tuyên bố.
ASEAN hiện gồm 10 thành viên. Myanmar là quốc gia gia nhập sau nhiều nước trong ASEAN, trở thành thành viên của tổ chức này năm 1997.
Trong khi đó, cùng ngày quân đội Myanmar cho biết một cuộc bầu cử tự do và công bằng sẽ được tổ chức ở nước này và họ sẽ trao trả quyền lực cho đảng chiến thắng, theo Hãng tin Reuters.
Tuy nhiên, họ không cung cấp thông tin về khung thời gian tổ chức bầu cử. Trước đó, quân đội Myanmar nói rằng tình trạng khẩn cấp sẽ kéo dài tại nước này trong 1 năm.
Sáng 1-2, quân đội Myanmar đã bắt giữ Tổng thống Win Myint, Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và các nhân vật khác của Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) - đảng giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử vào tháng 11-2020.
Họ cho biết tiến hành các vụ bắt giữ này để phản ứng với tình trạng "gian lận bầu cử". Tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Myanmar, tạm thời nắm quyền điều hành đất nước.
Nhiều nước phương Tây đã phản ứng với tình hình ở Myanmar ngày 1-2. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian thúc giục thả ngay bà Aung San Suu Kyi và kêu gọi quân đội Myanmar tôn trọng kết quả bầu cử hồi tháng 11-2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận