Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 11-7 tại Jakarta (Indonesia) đã diễn ra các hoạt động đầu tiên của các ngoại trưởng ASEAN trong khuôn khổ AMM-56.
Trong bài phát biểu khai mạc phiên toàn thể AMM-56 chiều 11-7, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho rằng ASEAN chỉ giữ được tiếng nói với các vấn đề khu vực khi cho thấy được sự đáng tin của mình.
Bài phát biểu không đề cập trực tiếp đến cuộc khủng hoảng tại Myanmar, vốn đang chứng kiến một số quan điểm khác nhau giữa các nước ASEAN.
Để giữ được tiếng nói quan trọng, vai trò động lực của tăng trưởng, theo bà Retno Marsudi, ASEAN cần phải "giữ được sự đoàn kết và vai trò trung tâm".
Các ngoại trưởng nhất trí củng cố hơn nữa khả năng tự cường và thích ứng linh hoạt của ASEAN trước mọi cơ hội và thách thức đặt ra cho khu vực.
ASEAN cần đi đầu trong việc định hình một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm, dựa trên luật lệ với sự tham gia tích cực và đóng góp trách nhiệm của các đối tác cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
Hội nghị nhất trí thúc đẩy triển khai hiệu quả Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Các ngoại trưởng cũng khuyến khích các đối tác hợp tác cụ thể, thực chất với ASEAN trên các lĩnh vực ưu tiên về kết nối, hợp tác hàng hải, phát triển bền vững và kinh tế, hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, góp phần vào hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực.
Chia sẻ nhận định chung về một thế giới ngày càng phức tạp, khó lường, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh ASEAN không thể tránh khỏi đối mặt với các thách thức cả từ bên trong và bên ngoài.
Song, với sự tôi luyện trong 56 năm qua, ASEAN có đủ cơ sở để tự hào và tin tưởng về một cộng đồng ASEAN đoàn kết và vững mạnh.
Trước tác động của đại dịch COVID-19 vẫn đang hiện hữu, ASEAN cần đặt hợp tác kinh tế, thương mại ở nhiệm vụ trung tâm, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng để tái cấu trúc nền kinh tế. Ông nhấn mạnh ASEAN cần nắm chặt cơ hội để không bị bỏ lại phía sau.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng hoan nghênh sáng kiến của Chủ tịch ASEAN 2023 tổ chức Diễn đàn ASEAN về Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, với trọng tâm về cơ sở hạ tầng, phát triển bền vững và kinh tế sáng tạo.
Ông đề nghị ASEAN dành thêm quan tâm cho các lĩnh vực tiềm năng khác như kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng và thích ứng biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng tái khẳng định và đề nghị các đối tác tôn trọng lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông.
Cũng trong ngày 11-7, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Hội nghị Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) và phiên đối thoại với Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR).
Trong đó, trước nhiều biến động và thách thức, kể cả nguy cơ xung đột hạt nhân, các ngoại trưởng khẳng định lại ý chí chính trị của các nước tham gia SEANWFZ duy trì mục tiêu của hiệp ước, vì một Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân.
Sáng mai, ngày 12-7, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN sẽ tham dự phiên họp hẹp của Hội nghị AMM-56 với trọng tâm bàn thảo về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận