27/10/2022 22:09 GMT+7

ASEAN họp đặc biệt về Myanmar, đánh giá tình hình đang 'nguy cấp và mong manh'

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Ngoại trưởng các nước ASEAN nhất trí xem Myanmar tiếp tục là một thành viên của khối và Đồng thuận 5 điểm để giải quyết tình trạng bạo lực ở Myanmar vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên các ngoại trưởng đánh giá tình hình đang rất phức tạp.

ASEAN họp đặc biệt về Myanmar, đánh giá tình hình đang nguy cấp và mong manh - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn phát biểu tại cuộc họp đặc biệt của ASEAN về Myanmar ngày 27-10 - Ảnh: REUTERS

"Các ngoại trưởng đã bày tỏ quan ngại và thất vọng về việc không có tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm", Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi phát biểu trong một cuộc họp báo sau khi cuộc họp đặc biệt của các ngoại trưởng ASEAN kết thúc chiều 27-10.

"Các hành vi bạo lực cần phải dừng lại ngay lập tức. Indonesia đã nói tại cuộc họp rằng yêu cầu này cần phải được chuyển đến Tatmadaw (quân đội Myanmar) ngay lập tức", bà Retno Marsudi nói tiếp, đồng thời mô tả tình hình tại Myanmar đang "nguy cấp và mong manh".

Đồng thuận 5 điểm là một kế hoạch mà lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar đã thống nhất với các lãnh đạo khác của ASEAN trong hội nghị đặc biệt diễn ra tại Indonesia vào cuối tháng 4-2021, gần ba tháng sau đảo chính lật đổ chính quyền bà Aung San Suu Kyi.

Cuộc họp lần này cũng diễn ra tại Indonesia ngay trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan dự kiến tổ chức ở Campuchia vào đầu tháng 11 tới.

Theo thông tin được Bộ Ngoại giao cung cấp tối 27-10, cuộc họp đặc biệt nhằm mục đích đánh giá tiến độ triển khai Đồng thuận 5 điểm và công tác chuẩn bị cho loạt hội nghị vào tháng 11 ở Campuchia.

Tại cuộc họp, các ngoại trưởng đã chia sẻ đánh giá của chủ tịch hội nghị về việc tình hình Myanmar còn rất phức tạp, bất ổn định kéo dài, đời sống người dân hết sức khó khăn.

Việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn dù đã có nhiều nỗ lực từ Brunei và Campuchia, hai nước lần lượt giữ ghế chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm 2021 và 2022.

Mặc dù vậy, các nước nhất trí với đánh giá Myanmar tiếp tục là thành viên của ASEAN và Đồng thuận 5 điểm vẫn còn nguyên giá trị, ASEAN cần nỗ lực hơn nữa để thực hiện Đồng thuận 5 điểm và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar.

Các bộ trưởng cũng nhất trí sẽ trao đổi thêm các biện pháp cụ thể để hỗ trợ đặc phái viên của ASEAN về Myanmar thực hiện nhiệm vụ của mình.

Thay mặt Việt Nam tại cuộc họp đặc biệt, đại sứ Vũ Hồ - quyền trưởng SOM ASEAN - cho rằng ASEAN cần duy trì các nguyên tắc của mình, trong đó có tôn trọng độc lập, chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Trên cơ sở đó, việc tiếp cận vấn đề Myanmar cần được ASEAN triển khai từng bước, đồng bộ, cân bằng và minh bạch. Đại diện Việt Nam cũng kêu gọi ASEAN trở thành lực lượng hạt nhân, tập hợp và điều tiết các nỗ lực quốc tế hỗ trợ Myanmar trở lại bình thường.

Đồng thuận 5 điểm giữa ASEAN với Myanmar gồm:

(i) Các bên liên quan kiềm chế và ngừng bạo lực

(ii) Các bên tiến hành đối thoại, tìm giải pháp hòa bình vì lợi ích của nhân dân

(iii) Chỉ định đặc phái viên ASEAN hỗ trợ tiến trình hòa giải giữa các bên

(iv) ASEAN sẽ cung cấp viện trợ nhân đạo cho Myanmar

(v) Đặc phái viên và phái đoàn ASEAN sẽ đến Myanmar, gặp các bên liên quan.

Campuchia không mời lãnh đạo quân sự Myanmar đến Hội nghị thượng đỉnh ASEAN Campuchia không mời lãnh đạo quân sự Myanmar đến Hội nghị thượng đỉnh ASEAN

TTO - Ngày 5-10, Campuchia - chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á - thông báo nhà lãnh đạo chính quyền quân sự của Myanmar, tướng Min Aung Hlaing, không được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh của hiệp hội vào tháng tới.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên