Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh (bìa phải) trao đổi với các đại biểu tại hội nghị SOM ASEAN - Ảnh: N.Khánh |
Một trong nhiều nội dung được đề cập là làm sao Asean tăng cường vai trò trung tâm của mình trong việc giải quyết các thách thức, trong đó có tranh chấp chủ quyền trên biển Đông.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho biết trong cuộc gặp, các bên đã chia sẻ về các diễn biến phức tạp trên biển Đông, cụ thể là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan và đưa rất nhiều tàu hộ tống, bảo vệ, liên tục gây ra những hành động gây hấn, đâm va với tàu Việt Nam.
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh, trưởng đoàn quan chức cấp cao Việt Nam, cho biết nhìn từ góc độ khu vực, các hành động của Trung Quốc trên biển Đông đã ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực. Thứ hai, việc sử dụng sức mạnh để áp đặt đòi hỏi chủ quyền của một nước là trái với thỏa thuận của ASEAN và Trung Quốc nằm trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) cũng như trái với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Thứ ba, việc đưa những giàn khoan, tàu như vậy là trái với Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS).
Trong bối cảnh đó, tiếng nói và vai trò của Asean như thế nào là câu hỏi được đặt ra tại cuộc họp SOM Asean đặc biệt lần này tại Hà Nội. Theo Thứ trưởng Vinh, ASEAN phải khẳng định ủng hộ việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải khu vực; tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển; tuân thủ DOC và đặc biệt quan trọng là không được sử dụng sức mạnh để áp đặt đòi hỏi chủ quyền.
“Đây là nguyên tắc rất lớn của ASEAN trong quan hệ quốc tế. ASEAN là tập hợp một loạt nước nhỏ nên muốn các quốc gia phải trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Do đó việc sử dụng sức mạnh để áp đặt những chủ kiến, những đòi hỏi chủ quyền của mình đều không được chấp nhận” - ông Vinh nói.
Trả lời Tuổi Trẻ bên lề cuộc họp, ông Aung Lynn - trưởng đoàn SOM Myanmar, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN - bác bỏ thông tin cho rằng Trung Quốc đang không muốn xúc tiến việc thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Ông nói: “Nước CHND Trung Hoa hiểu rõ quan hệ của họ với Asean về mọi mặt, trong đó có vấn đề biển Đông. Như các bạn đã biết, Asean và Trung Quốc đang trong tiến trình tiến tới COC. Chúng tôi mong chờ có tiến bộ ở điều này”. Ông cho biết trong những tháng tới đây, hai bên sẽ có cuộc gặp quan chức cấp cao tiếp theo để bàn về chủ đề này.
Đại sứ Mỹ tại Philippines chỉ trích bản đồ “đường 10 đoạn” Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg hôm 26-6 lên án bản đồ “đường 10 đoạn” mới xuất bản của Trung Quốc là không có cơ sở pháp luật quốc tế. Ông Goldberg khẳng định Mỹ ủng hộ Philippines phản đối Trung Quốc đang có những hoạt động làm thay đổi hiện trạng ở biển Đông. Trong khi đó, cổng thông tin InterAksyon của kênh truyền hình TV5 của Philippines dẫn lời đại sứ Goldberg cho rằng việc Trung Quốc đang xây dựng các đảo nhân tạo ở biển Đông là trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Đồng thời lên án hành vi cố ý vi phạm Luật biển của Trung Quốc đang dấy lên mối quan ngại trong khu vực. MỸ LOAN |
Cùng nhau tìm kiếm giải pháp lâu dài SOM Asean với chủ đề “Vai trò trung tâm của Asean” là cuộc họp đặc biệt được tiến hành theo đề xuất của Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh nhận định về ý nghĩa của SOM đặc biệt lần này: “Cuộc gặp sẽ khởi động một vòng thảo luận nữa để Asean bàn nhiều hơn về vai trò trung tâm của mình và về tính trách nhiệm của ASEAN đối với những vấn đề diễn ra ở khu vực”. Trong bối cảnh an ninh khu vực đang bị thách thức bởi các hành vi vũ lực, đơn phương của Trung Quốc, việc các quan chức cấp cao Asean gặp nhau ở Hà Nội có lẽ là dấu hiệu cho thấy Asean đang nỗ lực tham vấn nhằm củng cố sự đoàn kết để cùng nhau tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho các vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. H.GIANG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận