Các học viên tại Trung tâm đào tạo năng lực -Japan ở Thái Lan - Ảnh: NIKKEI
Đông Nam Á vẫn đang có cách quản trị yếu với thông tin nhạy cảm, do đó trở thành mục tiêu của các vụ tấn công mạng. Doanh nghiệp dù ở loại hình nào, nếu không đầu tư vào an ninh thông tin cũng sẽ trở thành mục tiêu bị tấn công.
Ông Lyon Poh (đối tác an ninh mạng của KPMG tại Singapore)
Ý tưởng thành lập Trung tâm đào tạo năng lực an ninh mạng ASEAN - Nhật Bản (tên tiếng Anh: ASEAN-Japan Cyber Security Capacity Building Centre - AJCCBC) tại Bangkok, Thái Lan được nhất trí trong một hội nghị cấp bộ trưởng của các nước ASEAN và Nhật Bản ở Campuchia tháng 12 năm ngoái.
Trung tâm ra đời trong bối cảnh hoạt động đầu tư xuyên biên giới ở khu vực tăng mạnh và các công nghệ kết nối kiểu như IoT (vạn vật kết nối) ngày càng phổ biến.
Nguy cơ phổ biến
"Không chỉ Thái Lan, mọi quốc gia thành viên ASEAN đều đang đối mặt với các nguy cơ tấn công mạng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, trong khi đó số nhân lực giải quyết vấn đề an ninh mạng vẫn chưa đủ" - Hãng tin Reuters dẫn nhận xét của bà Surangkana Wayuparb, giám đốc điều hành kiêm CEO Cơ quan Phát triển giao dịch điện tử Thái Lan, nơi đặt trung tâm đào tạo an ninh mạng và cũng là cơ quan chính phủ được giao chủ trì dự án.
Theo dự kiến, khoảng 650 kỹ sư an ninh mạng từ các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp hạ tầng thông tin thuộc các quốc gia thành viên ASEAN sẽ tham gia các chương trình đào tạo do Hãng công nghệ NEC của Nhật thiết kế trong 4 năm đầu tiên, bao gồm các chuyên môn an ninh mạng (cyber defense), điều tra số (digital forensics) và phân tích mã độc (malware analysis).
Con số học viên thực tế đã cao gấp đôi so với ước tính ban đầu khoảng 300 học viên mỗi năm như thông tin mà Bộ trưởng Xã hội và kinh tế số Thái Lan Pichet Durongkaveroj từng cho biết hồi tháng 4 năm nay.
Các vụ tấn công mạng có thể kéo theo những vụ đánh cắp thông tin nhạy cảm, hoặc làm tê liệt hoạt động của các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ.
Tháng 7 vừa qua, Singapore đã trải qua vụ tấn công mạng tồi tệ nhất từ trước đến nay khi các tin tặc đánh cắp thông tin cá nhân của khoảng 1,5 triệu người, trong đó có cả thông tin của Thủ tướng Lý Hiển Long, từ cơ sở dữ liệu y tế của cơ quan chính phủ.
Trước đó, trong tháng 3, Malaysia cho biết đã triệt phá thành công âm mưu tấn công mạng nhằm vào ngân hàng trung ương nước này. Thái Lan hiện đang soạn thảo các dự luật an ninh mạng, dự luật bảo vệ dữ liệu và dự kiến được phê chuẩn cuối năm nay.
Hợp tác an ninh ASEAN - Nhật Bản
Mặc dù AJCCBC chỉ là một trong hàng loạt nỗ lực giải quyết thách thức an ninh thời công nghệ số của khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên từ ý tưởng tới việc chính thức hoạt động của trung tâm này là biểu hiện cụ thể cho thấy ASEAN đã quan tâm đáng kể tới vấn đề quan trọng này.
Tờ Diplomat dẫn nhận định cho rằng trong vài năm qua, Nhật Bản đã tích cực tăng cường mối quan hệ an ninh với các quốc gia Đông Nam Á và một trong những lĩnh vực trọng tâm là an ninh mạng. Tạp chí này cho biết ngoài hỗ trợ nội dung, hoạt động của AJCCBC cũng được hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Nhật với cam kết ban đầu 5 triệu USD.
Trên thực tế, các quốc gia thành viên ASEAN đã chủ động có những bước đi riêng để ứng phó nguy cơ tấn công mạng.
Tháng 10-2016, trong phiên khai mạc Hội nghị bộ trưởng ASEAN, Singapore công bố Chương trình năng lực an ninh mạng ASEAN, hay trong Hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng, sáng kiến về nhóm công tác an ninh mạng mới cũng đã được chấp nhận.
Dĩ nhiên vẫn chưa thể đánh giá được hiệu quả thực tế của AJCCBC vì mọi thứ chỉ vừa mới bắt đầu. Tất cả sẽ còn tùy thuộc vào mức độ suôn sẻ của khóa đào tạo đầu tiên vừa khai giảng.
Có thể thấy mức độ thành công của nó sẽ có tác động cụ thể tới năng lực an ninh mạng vốn còn nhiều hạn chế ở một số quốc gia Đông Nam Á.
Càng phát triển càng dễ bị tổn thương
Theo báo cáo năm 2015 của Hãng nghiên cứu thị trường Gartner, ước tính chi tiêu cho công nghệ thông tin của 4 nước Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan khoảng 52 tỉ USD trong năm 2015 và mức chi này tăng trưởng thường niên là 6%.
Bên cạnh đó, 11 nước ASEAN cũng là nhóm có mức chi tiêu cho công nghệ thông tin chiếm tới 80% tổng chi tiêu ngân sách cho lĩnh vực này của khu vực Đông Nam Á.
Singapore là một trong năm quốc gia được gọi là nhóm "Cyber Five" cùng với Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, là những nước có nguy cơ bị tấn công mạng cao hơn các nước khác, chủ yếu vì mức độ lệ thuộc công nghệ lớn cũng như trình độ hiện đại hóa rất cao của họ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận