Công ty Asanzo tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân, TP.HCM) - Ảnh: MAI THƯƠNG
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết đã có chỉ đạo tất cả các đơn vị có liên quan trong bộ rà soát, đánh giá cụ thể về vụ việc Asanzo.
Hải quan, thuế cùng vào cuộc
Chiều 25-6, bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế... kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh về Công ty CP điện tử Asanzo.
Cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vụ việc báo chí phản ánh Công ty CP điện tử Asanzo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - phó trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia - giao văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia khẩn trương phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh về việc Công ty CP điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường trong nước, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, ông Dũng yêu cầu Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với Tổng cục Thuế và các đơn vị liên quan rà soát việc thực hiện quản lý nhà nước đối với việc nhập khẩu các sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường trong nước.
Tổng cục Thuế rà soát báo cáo về công tác quản lý thuế và các nội dung liên quan khác đối với Công ty CP điện tử Asanzo gửi Tổng cục Hải quan trước ngày 10-7.
Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo cục hải quan, cục thuế các tỉnh, TP rà soát nhằm phát hiện các trường hợp tương tự và đề xuất các biện pháp thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, nợ đọng thuế, chống chuyển giá, trốn thuế, đồng thời xem xét trách nhiệm của các đơn vị để xảy ra tình trạng trốn thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Tổng cục Hải quan chủ trì tổng hợp chung trình bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-7.
Bộ Công thương sẽ làm rõ
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết đã có chỉ đạo tất cả các đơn vị có liên quan trong bộ rà soát, đánh giá cụ thể về vụ việc Asanzo.
Theo đó, bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu các cục, vụ, viện có liên quan như Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Vụ Khoa học công nghệ, Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường... tiến hành kiểm tra, rà soát công tác quản lý nhà nước và chức trách, nhiệm vụ được giao trong vụ việc này. Từ đó có những biện pháp cụ thể đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện và báo cáo kết quả trong thời gian sớm nhất.
Cũng theo thông tin của Tuổi Trẻ, trong văn bản khẩn của Cục Quản lý thị trường TP.HCM gửi Tổng cục Quản lý thị trường ngày 24-6 về việc triển khai thực hiện kiểm tra, xác minh các dấu hiệu vi phạm của Công ty CP điện tử Asanzo, qua xem xét nội dung các bài báo điều tra của báo Tuổi Trẻ, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã có cuộc họp với Sở Công thương TP đề nghị phối hợp họp cùng cục để chia sẻ các thông tin, tài liệu liên quan đến loạt điều tra mà báo Tuổi Trẻ nêu, từ đó cùng phối hợp kiểm tra, xử lý nếu phát hiện vi phạm.
Cục Quản lý thị trường TP.HCM cũng có văn bản gửi Sở Kế hoạch và đầu tư TP đề nghị cung cấp thông tin có liên quan đến Công ty CP điện tử Asanzo như người đại diện theo pháp luật, địa chỉ trụ sở chính, các chi nhánh, kho hàng, địa điểm kinh doanh có liên quan...
Đồng thời có văn bản gửi Cục Hải quan TP đề nghị hỗ trợ cung cấp các thông tin có liên quan đến hàng hóa nhập khẩu mang nhãn hiệu Asanzo. Trong đó tập trung làm rõ các vấn đề như: Công ty CP điện tử Asanzo nhập khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo khai báo hải quan có đúng quy định? Công ty đã từng vi phạm pháp luật và bị xử lý hay chưa? Nếu có vi phạm là gì? Ngoài công ty còn tổ chức, cá nhân nào khác nhập khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo hay không? Nếu có địa chỉ ở đâu và hàng hóa nhập khẩu là gì?...
Có bao nhiêu công ty liên quan Asanzo?
Công ty CP điện tử Asanzo, đơn vị kinh doanh chính thương hiệu Asanzo, được thành lập tháng 10-2016 với vốn điều lệ 100 tỉ đồng. Đáng chú ý, từ chiếm 90% vốn góp, ông Phạm Văn Tam đã giảm tỉ lệ sở hữu của mình tại Tập đoàn Asanzo xuống còn 1% chỉ một năm sau đó.
Tiếp sau đó, các cổ đông tổ chức như Công ty CP điện tử Asanzo VN và Công ty TNHH truyền thông Asanzo cũng lần lượt thoái hết vốn. Sau các đợt thoái vốn, nhóm cổ đông sáng lập chỉ còn sở hữu 7% Tập đoàn Asanzo và hiện chỉ có 5 lao động.
Dù thoái gần hết vốn tại Công ty CP điện tử Asanzo nhưng hiện ông Tam đang là chủ sở hữu, đồng thời là người đại diện góp vốn tại Công ty CP truyền thông - giải trí Asanzo và Công ty CP công nghệ cao Asanzo.
Trong đó, Công ty CP truyền thông và giải trí Asanzo thành lập ngày 24-9-2014, ông Tam nắm 80% vốn và vốn công ty tăng mạnh từ 200 triệu đồng lên 50 tỉ đồng vào 8-9-2018. Công ty CP công nghệ cao Asanzo được thành lập tháng 1-2019, với vốn điều lệ 300 tỉ đồng, do ông Tam đứng tên cùng với hai cổ đông Dương Thị Ngọc Giàu và Nguyễn Thị ý Nhi.
Dữ liệu cũng cho thấy đến nay có khoảng 10 đơn vị mang "họ" Asanzo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận