21/06/2019 15:36 GMT+7

Asanzo có phải là hàng Việt Nam chất lượng cao?

NHÓM PHÓNG VIÊN TUỔI TRẺ
NHÓM PHÓNG VIÊN TUỔI TRẺ

TTO - Việc nhập khẩu đồ điện gia dụng hiệu Asanzo từ Trung Quốc là chủ trương của Asanzo. Chỉ có điều bất thường là xuất xứ hàng hóa Trung Quốc sau khi vào Việt Nam đã 'biến mất', thay vào đó là tem nhãn ghi xuất xứ Việt Nam(?).

Năm 2017, Hội Doanh nghiệp Nam chất lượng cao đã cấp chứng nhận "Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn" ngành điện tử gia dụng cho Công ty CP điện tử Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra là: "Các công ty nhập hàng nhái nhãn hiệu Asanzo về Việt Nam tiêu thụ hay chính Asanzo chủ trương nhập về rồi thay đổi tem nhãn xuất xứ hàng hóa?".

Quá trình điều tra, chúng tôi phát hiện Công ty TNHH đầu tư thương mại Lộc Phát (Q.9, TP.HCM) nhập khẩu số lượng lớn lò nướng điện hiệu Asanzo các model: EV-35A1, EV-23A1, EV-42A1... từ Trung Quốc.

Công ty có văn bản đăng ký với Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM địa chỉ tập kết hàng tại lô III-16B nhóm CN III, đường số 13 KCN Tân Bình, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM. Tìm đến địa chỉ này, chúng tôi phát hiện đây là một trong số bảy "nhà máy" của Asanzo Việt Nam.

Từ các nguồn tin từ Trung Quốc, chúng tôi bám theo tàu CAIYUNHE 352S cập cảng Cát Lái ngày 15-4-2019. Trên tàu này có ba container của Công ty TNHH đầu tư sản xuất Phương Nguyên.

Vận đơn COAU708581... thể hiện bên trong các container là 5.300 nồi cơm điện hiệu Asanzo model RC-18AS3 do Công ty Guangdong Zhanjiang Household Electric cung cấp.

Ngoài ra còn gần 2.500 cái ấm đun nước điện Asanzo model SK-1801 do Công ty Guangdong Weking Group cung cấp.

Lúc 3h30 sáng 19-4, xe đầu kéo rơmooc biển số 51R-026... chở container mang số hiệu CAIU7080... rời cảng Cát Lái. Đến gần 5h container có mặt tại nhà máy Asanzo ở KCN Tân Bình.

Đến 8h tài xế lùi container vào nhà máy để xuống hàng. Tiếp đó, container số hiệu TCLU6964... và FCIU9834... cũng lần lượt về nhà máy này xuống hàng.

Chiều 24-4, Công ty TNHH đầu tư sản xuất Phương Nguyên tiếp tục làm thủ tục thông quan hai container chứa 3.010 cái nồi cơm điện mới 100% hiệu Asanzo model 18QS và RC-30AB.

Còn trong ngày 23-4 công ty này thông quan hàng loạt container chứa lò vi sóng hiệu Asanzo và linh kiện lò vi sóng.

Trong bốn tháng đầu năm 2019, Công ty TNHH đầu tư sản xuất Phương Nguyên nhập hơn 20.000 sản phẩm và linh kiện đồ điện gia dụng từ Trung Quốc.

Ngoài ra, làm việc với cơ quan chức năng, ông Lê Đình Lâm (giám đốc công ty) thừa nhận: "Công ty cho phép tất cả các DN được nhập khẩu hàng gia dụng mang nhãn hiệu Asanzo. Công ty không đăng ký bảo hộ mặt hàng điện gia dụng đối với hàng hóa nhập khẩu nhãn hiệu Asanzo. Vì vậy các DN nhập khẩu hàng nhãn hiệu Asanzo không vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu".

Như vậy, rõ ràng việc nhập khẩu đồ điện gia dụng hiệu Asanzo từ Trung Quốc là chủ trương của Asanzo.

Chỉ có điều bất thường là xuất xứ hàng hóa Trung Quốc sau khi vào Việt Nam đã "biến mất", thay vào đó là tem nhãn ghi xuất xứ Việt Nam(?).

Ông Lê Đình Lâm xác nhận: "Hàng hóa nhãn hiệu Asanzo lưu thông trên thị trường Việt Nam do Công ty CP điện tử Asanzo Việt Nam chịu trách nhiệm về chất lượng và xuất xứ.

Các nhà sản xuất, cung cấp hàng hóa nhãn hiệu Asanzo tại nước xuất khẩu đã được Công ty CP điện tử Asanzo Việt Nam kiểm tra và đạt yêu cầu về chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn của Asanzo Việt Nam".

NHÓM PHÓNG VIÊN TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên