Gabriel Jesus (giữa) rời Man City để đến Arsenal - Ảnh: REUTERS
Điều này thể hiện qua việc Arteta cố gắng mô phỏng hình mẫu thành công Man City của người đồng hương Guardiola ở Arsenal. Giữa Arteta và Guardiola tồn tại nhiều quan hệ chặt chẽ. Đầu tiên, cả hai là người Tây Ban Nha và Arteta còn làm trợ lý cho Guardiola trong 3 năm ở Man City.
Arteta đã trải qua rất nhiều cung bậc thăng trầm trong 2 năm rưỡi là HLV trưởng "pháo thủ". Hơn một năm trước, Arteta bị CĐV Arsenal kêu gào đòi sa thải vì lối chơi vô hồn của đội ở thời điểm đó.
Nhưng sau khi được ban lãnh đạo chi tiền mạnh mẽ trong mùa hè năm ngoái, Arsenal bắt đầu chơi tấn công mượt mà như dưới thời "giáo sư" Wenger, và ít nhiều được so sánh với Man City.
Mùa hè này, Arsenal tiếp tục mạnh tay trên thị trường chuyển nhượng. Zinchenko trở thành tân binh thứ 5 của họ, và cái giá 30 triệu euro của anh khiến tổng số tiền Arsenal chi ra hè này lên đến 127 triệu euro (Arsenal chỉ mới thu về 14 triệu euro từ chiều bán).
Quá trình "Man City hóa" của Arsenal càng rõ ràng hơn khi HLV Arteta phát biểu rằng tiền vệ Fabio Vieira - một tân binh khác có giá 35 triệu euro của họ hè này - sẽ trở thành "De Bruyne mới".
Đầu tư nhiều cho tuyến giữa, sở hữu nhiều cầu thủ tấn công di chuyển phạm vi rộng như Saka, Rowe, Odegaard, Martinelli và nay lại có thêm Jesus là những điểm mạnh tương đồng với Man City của Arsenal.
Đi kèm đó là vấn đề ở hàng thủ, điều tất yếu với những đội bóng theo đuổi lối chơi ban bật hoa mỹ. Nhưng trong lúc Pep Guardiola có đủ tiền để liên tục thử nghiệm những hậu vệ phù hợp thì với Arsenal, đây lại là điều xa xỉ.
Pep Guardiola từ lâu đã được xem là một trong những HLV tài ba nhất thế giới. Đó là điều để Guardiola thuyết phục ban lãnh đạo Man City. Còn với Arteta, ban lãnh đạo "pháo thủ" liệu có còn đủ kiên nhẫn với ông nếu Arsenal không chứng tỏ đủ tham vọng trong vòng 3 tháng tới?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận