Armenia - Azerbaijan: Lăm le một cuộc chiến mới?

DUY VĂN 17/09/2023 07:49 GMT+7

TTCT - Không gian hậu Xô viết "nóng đều" suốt tuần qua, mới nhất là những xung đột giữa Azerbaijan và Armenia đang có nguy cơ được khơi lại vì một loạt biến cố.

Cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn đang gay cấn, căng thẳng biên giới Belarus - Ba Lan hay hành lang Suwalki giữa Belarus với các quốc gia Baltic cũng chưa hạ nhiệt. Ngay lúc này, cựu cộng hòa Xô viết Armenia đang tập trận cùng quân đội Hoa Kỳ sát biên giới cựu cộng hòa Xô viết Azerbaijan. Một cuộc chiến nữa sắp nổ ra?

Vùng Nagorno-Karabakh tranh chấp và hành lang Lachin. Ảnh: OC Media

Vùng Nagorno-Karabakh tranh chấp và hành lang Lachin. Ảnh: OC Media

Để hiểu mức độ "rối" của một cuộc chiến tiềm tàng nữa trong không gian này, có lẽ chỉ cần điểm qua phần mô tả khí tài phe Azerbaijan triển khai gần biên giới với Armenia trên cổng thông tin quân sự Topwar.ru: 

"Để nhận dạng quân đội của mình, người Azerbaijan vẽ các chữ cái Latin "F" và "∀" trên xe của họ…, tương tự người Nga vẽ "V" và "Z" trong khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt…, vì một phần lớn thiết bị quân sự của cả Azerbaijan lẫn Armenia trong cuộc xung đột vẫn do Liên Xô sản xuất hoặc phát triển, rồi được Nga sản xuất".

Quan hệ giữa hai cựu cộng hòa này từ lâu đã không êm đẹp, do lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh. Gần đây nhất là việc Bộ Quốc phòng Armenia thông báo cuộc tập trận "Eagle Partner 2023" từ ngày 11 đến 20-9 để "chuẩn bị tham gia các nhiệm vụ dịch vụ giữ hòa bình quốc tế". 

Theo Reuters, trong cuộc tập trận, binh sĩ Mỹ và Armenia sẽ tiến hành các hoạt động "nhằm ổn định mối quan hệ giữa các bên xung đột trong nhiệm vụ giữ hòa bình". Các trang thiết bị hạng nặng sẽ được sử dụng, 175 binh sĩ, sĩ quan người Armenia và 85 quân nhân Mỹ dự kiến sẽ tham gia. Đáp lại, Baku chuyển các thiết bị, khí tài quân sự về biên giới với Armenia.

Chiến sự sẽ nổ ra trong tháng 9?

Quan hệ "căng như dây đàn" không chỉ giữa hai cựu cộng hòa Xô viết, mà cả của Armenia với Nga có thể thấy qua phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại cuộc họp báo tổng kết G20 ngày 10-9 ở New Delhi. 

Ông Lavrov bình luận các cuộc tập trận giữa Armenia và Mỹ "có vẻ kỳ lạ khi Yerevan từ chối các cuộc tập trận trong CSTO (Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể, gồm 6 cựu cộng hòa Xô viết là Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan)".

Ông Lavrov cũng bác bỏ tuyên bố của Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan nói Nga "trao Nagorno-Karabakh cho Azerbaijan" là "không chính xác và không trung thực". 

Ông giải thích rằng ý ông Simonyan là các thỏa thuận ba bên đầu tiên được ký tháng 11-2020 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev. 

Thỏa thuận đó "không nói gì về quy chế của Karabakh, và vào thời điểm đó, cả ba nhà lãnh đạo đều xuất phát từ thực tế là theo quy chế lúc đó, các cuộc đàm phán bổ sung sẽ được tổ chức... Nhưng sau đó tại Praha, Tổng thống Azerbaijan và Thủ tướng Armenia đã ký tuyên bố thừa nhận Tuyên bố Alma-Ata năm 1991, và thế là vấn đề đã khép lại".

Có lẽ cần nói thêm rằng ông Simonyan đã nhiều lần lên tiếng về ảnh hưởng của Nga với tình hình Nagorno-Karabakh và Azerbaijan. Trả lời phỏng vấn của Komsomolskaya Pravda hồi năm 2021, ông này cho rằng "xã hội Armenia hiểu chính Nga đã trao đi Karabakh". 

Tương tự là những phát biểu của Tổng thống Azerbaijan Aliyev được một số phương tiện truyền thông và các kênh Telegram ngày 9-9 nhất loạt truyền đi.

Các bản tin dẫn lời ông Aliyev: "Người Armenia đã tạo ra một nhà nước cho riêng họ trên đất của người ngoài… Armenia ngày nay là đất của chúng tôi. Khi tôi nói điều này nhiều lần, người ta cố chỉ ra rằng tôi có yêu sách về lãnh thổ. Tôi nói điều này với tư cách là một sự thật lịch sử".

Vấn đề là tuyên bố này đã được ông Aliyev đưa ra từ 8 tháng trước, nay lại được "xới" lên, nêu ra nhiều câu hỏi. Sau đó, các kênh Telegram của Iran thậm chí đưa ra dự báo về ngày cụ thể sẽ nổ ra xung đột toàn diện Azerbaijan - Armenia là 16 hoặc 17-9. Một số lại khẳng định hoạt động quân sự của Azerbaijan sẽ nổ ra vào 20-9, khi cuộc tập trận chung với Mỹ kết thúc ở Armenia.

Các quốc gia láng giềng ít nhiều có liên can cũng bị lôi vào cuộc. Truyền thông Armenia đưa tin Iran "đang khẩn trương tập trung quân tới biên giới với Azerbaijan và chuẩn bị đối đầu trong trường hợp xảy ra xung đột". 

Người đứng đầu Cục Quan hệ quốc tế và ngoại giao quốc phòng Iran, thiếu tướng Mohammed Ahadi, khi thăm Baku hôm 10-9, đã bác bỏ đây là "lời nói dối trắng trợn". 

Báo Azerbaijan Day.az bình luận: "Chuyến thăm của Ahadi tới Baku không phải ngẫu nhiên, vì Tehran dường như đã bắt đầu khó chịu trước sự trơ tráo của phía Armenia muốn "gây căng thẳng" với Iran bất cứ khi nào có cơ hội".

Tờ này cho biết Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Pashinyan đã nhấn mạnh công thức 3+3 mà Iran đưa ra để giải quyết các vấn đề giữa Armenia và Azerbaijan: ba nước Kavkaz - Armenia, Azerbaijan, Gruzia; và ba nước láng giềng Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài định dạng này, sự tham gia của phương Tây mà Armenia gần đây đang lôi kéo, chỉ làm "tình hình thêm phức tạp".

Thách thức với vai trò của Nga

Trong suốt quá trình xung đột, Nga được xem là nước đóng vai trò trung gian hòa giải. Quân đội Nga cũng là lực lượng gìn giữ hòa bình chính trong đội quân CSTO ở Nagorno-Karabakh. 

Tuy nhiên gần đây, Armenia đã nhiều lần yêu sách về vai trò này của Nga. Đầu tháng 8-2023, Baku mở chiến dịch "Báo thù" gần cao điểm Sarybaba ở Nagorno-Karabakh để phản ứng "hành động khiêu khích vũ trang của phía Armenia". 

Khi đó, Thủ tướng Armenia Pashinyan nói lực lượng gìn giữ hòa bình Nga trong khu vực "nên hành động", nếu không "sự hiện diện của họ ở đó trở nên đáng ngờ".

Đó không phải là lần đầu ông Pashinyan bày tỏ không hài lòng với vai trò của Nga trong cuộc xung đột. Trước đó, trong thông điệp gửi người dân Armenia nhân kỷ niệm 32 năm tuyên ngôn độc lập, Thủ tướng Pashinyan đã lưu ý rằng "độc lập là một mối quan hệ đồng minh bền chặt, nhưng các đồng minh không phải lúc nào cũng là đồng minh của ta, họ còn là đồng minh của những người chống lại ta", ám chỉ mối quan hệ Nga - Azerbaijan.

Suốt cuộc chiến Nga - Ukraine, ông Pashinyan cũng nhiều lần thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine và bày tỏ mong muốn rút khỏi các thỏa thuận liên quan đến Nga để Armenia gia nhập các tổ chức quốc tế phương Tây. (Dù một mặt, ông Pashinyan vẫn kêu gọi ông Putin hỗ trợ Yerevan trong cuộc tranh chấp Nagorno-Karabakh). Ông cũng gọi sự phụ thuộc an ninh của Armenia "vào một trung tâm là sai lầm chiến lược" (trả lời phỏng vấn La Repubblica 3-9).

Gần đây nhất, Matxcơva cho rằng Armenia đã thực hiện "những bước đi không thân thiện", khiến Bộ Ngoại giao Nga ngày 8-9 triệu tập đại sứ Armenia tại Matxcơva để phản đối. 

Cụ thể là việc Armenia từ 1-9 khởi động quá trình phê chuẩn Quy chế Rome của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC, tổ chức đã truy tố và phát lệnh bắt ông Putin); chuyến đi tới Kiev của phu nhân thủ tướng Armenia hôm 7-9 để chuyển "viện trợ nhân đạo cho Kiev"; hay các cuộc tập trận với Hoa Kỳ trên lãnh thổ Armenia. 

Ngoài ra, Matxcơva còn trao công hàm phản đối những tuyên bố xúc phạm của ông Simonyan đối với đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova.

Trong bối cảnh này, không có gì khó hiểu khi lực lượng Nga ở Nagorno-Karabakh sẽ khó thể hành động quá mạnh tay, một phần còn vì quân đội chính vẫn đang được triển khai ở Ukraine. 

Yuri Baranchik, chuyên gia người Belarus về SNG, viết trên kênh Telegram của ông: "Yerevan đang nghiêng về phương Tây… Nếu chúng ta không bắt đầu giải quyết tình hình, NATO sẽ nhanh chóng xuất hiện ở sườn phía nam của chúng ta".■

Lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh được Azerbaijan tuyên bố chủ quyền, nhưng do Cộng hòa Artsakh (trước đây là Cộng hòa Nagorno-Karabakh) quản lý, và có đa số dân là người Armenia. Sau khi Liên Xô tan rã, đa số dân Armenia của cộng hòa này muốn sáp nhập vào Armenia, khiến Baku can thiệp, dẫn tới xung đột vũ trang, chỉ kết thúc vào năm 1994 với nhóm CSTO làm trung gian. Tuy nhiên, từ tháng 9-2020, đụng độ mới lại nổ ra và tiếp tục âm ỉ suốt thời gian qua. Các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hòa bình đã diễn ra giữa Armenia và Azerbaijan vài năm qua.

Tình hình trở nên trầm trọng hơn bởi việc phong tỏa các vùng lãnh thổ tranh chấp. Ngày 23-4-2023, Azerbaijan thiết lập trạm kiểm soát trên một đoạn đường cao tốc ở lối vào hành lang chiến lược Lachin, nối Nagorno-Karabakh với Armenia. Yerevan cáo buộc Baku gây "thảm họa nhân đạo" vì cản trở việc cung cấp khí đốt, điện, thực phẩm và thuốc men cho Nagorno-Karabakh. Tổng thống Azerbaijan Aliyev nhiều lần phủ nhận, nói tuyến đường này vẫn mở cho người dân và giao thông vì mục đích nhân đạo. Baku giải thích việc lập trạm kiểm soát là để ngăn chặn vũ khí vận chuyển trái phép từ Yerevan.

Tháng 5-2023, ông Pashinyan bày tỏ sẵn sàng công nhận chủ quyền của Azerbaijan đối với Nagorno-Karabakh, với điều kiện đảm bảo an ninh cho người dân Armenia. Ngày 8-9, đại sứ Armenia Vagharshak Harutyunyan được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Nga và nhận công hàm phản đối. Một trong những lý do là lời ông Simonyan, mà Matxcơva cho là xúc phạm khi ông này gọi đại diện chính thức bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova là "nữ thư ký nào đó", sau khi bà Zakharova cho rằng tình trạng ở hành lang Lachin là do Yerevan công nhận Nagorno-Karabakh thuộc về Azerbaijan. (RBC.ru)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận