Và ông đã dày công ngược xuôi nhiều tỉnh đồng bằng tìm dấu mẹ, in ấn cả thông điệp "xin hãy giúp Hưng tìm mẹ".
Gặp Jonathan Arjen Ijff (48 tuổi, người Hà Lan) vào một buổi trưa oi bức bên dòng sông Cổ Chiên (huyện Long Hồ, Vĩnh Long).
Một vài câu tiếng Việt bập bẹ, người đàn ông trung niên có chòm râu điểm bạc mở lời chào: "Tôi là người Việt Nam, Vĩnh Long là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời".
"Tôi là Hưng, là người Việt"
Jonathan Arjen Ijff là họa sĩ - nhà thiết kế đồ họa, có tên tiếng Việt là Nguyễn Khánh Hưng. Vài câu nói ngắn gọn bằng tiếng Việt với phát âm chưa tròn chữ là một trong những cách mà Arjen Ijff trang bị cho cuộc tái ngộ với cha mẹ ruột người Việt nếu có phép màu xảy ra.
Chỉ qua dòng Cổ Chiên, hướng đường Phạm Hùng (TP Vĩnh Long), Arjen Ijff nói nơi đây từng là Tu viện Good Shepherd - nơi lần cuối ông được mẹ ruột mình bồng bế.
Ông kể mình sinh tháng 1-1975 tại tỉnh Vĩnh Long. Chào đời được vài ngày, mẹ ông mang bỏ ở Tu viện Good Shepherd (tu viện nữ tu và trại trẻ mồ côi Mục Tử Nhân Lành).
Sau đó Arjen Ijff được đưa đến Sài Gòn, được bà Carolina van Roijen (vợ của Đại biện lâm thời Hà Lan Jan Herman van Roijen) chăm sóc tại dinh thự Đại sứ quán Hà Lan nằm ở đường Hai Bà Trưng.
Giữa tháng 4-1975, ông cùng 26 đứa trẻ khác được nhận làm con nuôi và được bà Carolina van Roijen đưa lên máy bay sang Hà Lan.
Arjen Ijff được một gia đình nông dân ở Beemster Polder, một vùng nông thôn ở phía bắc Hà Lan, nhận nuôi dưỡng.
Anh kể: "Phải mất một thời gian tôi mới bắt đầu quan tâm đến nguồn cội. Và phải mất nhiều năm tôi mới quyết định về thăm quê hương mình. Tôi đã đặt chân đến Hà Nội vào năm 2007. Nhưng kế hoạch ban đầu của tôi chỉ là để làm quen với đất nước này.
Khi đến Hà Nội, cảm nhận được mặt đất dưới chân mình, tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Đó là một tình yêu, Việt Nam đã ôm lấy tôi".
"Ở Beemster, trong cộng đồng người da trắng tôi rất ít được chú ý. Nhưng tôi cảm thấy mình được mọi người đón nhận khi ở Việt Nam. Kể từ đó, tôi đã đến thăm Việt Nam nhiều lần. Mỗi lần đến, tôi đều có cảm giác rằng mình đã tiến một bước gần hơn đến cội nguồn", Arjen Ijff chia sẻ.
"Xin giúp Hưng tìm mẹ"
Khoảng 10 năm trước, mẹ nuôi của Arjen Ijff qua đời. Bà để lại cho ông một vài bức ảnh lúc ông tròn 3 tháng tuổi cùng một mảnh giấy ghi tên tiếng Việt là Nguyễn Khánh Hưng, sinh tại Vĩnh Long. Năm 2017, ông quyết tâm về lại Việt Nam để tìm người thân máu mủ.
Trên từng cung đường đi tìm lại cội nguồn, người họa sĩ thấy đất nước Việt Nam rất gần gũi và thân tình cùng với những người bạn Việt thân thiết. Ông cũng dần tìm thấy trong mình dáng dấp một người con của đất nước Việt Nam.
Với chín lần đến Việt Nam, Arjen Ijff chưa một lần nhận được chút manh mối nào về cha mẹ. Nhưng ông nói mình không hề tuyệt vọng.
Nhiều lần ngược xuôi Nam - Bắc, Arjen Ijff khẳng định cha mẹ mình là người Vĩnh Long. Nên lần này ông chọn nơi đây để bắt đầu hành trình tìm kiếm.
Để chuẩn bị cho cuộc hội ngộ bất ngờ, trong đại dịch COVID-19 vừa qua, Arjen Ijff đều đặn mỗi tuần thuê gia sư rồi cặm cụi tập đọc, tập viết từng câu tiếng Việt.
"Hy vọng khi được tái ngộ với mẹ, tôi có thể nói với bà một câu con chào mẹ, con là con của mẹ đây", ông nói.
Trở lại Việt Nam lần này, ông tự dịch tiếng Việt và in khoảng 100 tấm tờ rơi với thông điệp "Nhờ cộng đồng giúp Hưng tìm mẹ ở Vĩnh Long". Lê đôi chân cà nhắc, ông bảo mình vừa mất một ngày ngồi xe máy đến Mỹ Tho để tìm tư liệu về mẹ.
Cả tuần qua ông cứ lang thang khắp phố phường Vĩnh Long để tìm kiếm. Đến đâu ông cũng đưa cho người ta tấm thông điệp song ngữ để hy vọng một phép màu nào đó đến với mình.
"Tôi luôn tin mẹ tôi bất đắc dĩ phải làm như thế vì bà mong điều tốt nhất cho tôi. Nếu trời thương cho mẹ vẫn còn sống, có thể giờ mẹ đã khoảng 70 tuổi rồi. Rất có thể tôi còn anh chị em khác nữa.
Tôi đã tìm mẹ nhiều năm qua và tha thiết mong gặp mẹ. Để tôi ôm mẹ và nói với mẹ rằng mẹ ơi con yêu mẹ và con đang sống tốt", Arjen Ijff nói.
Hành trình hợp nhất hai con người
Năm 2019, Arjen Ijff may mắn được một người bạn quen biết qua đường mời về Vĩnh Long ăn Tết. Cái Tết năm ấy rất đặc biệt, đó là cái Tết đầu đời của người đàn ông 48 năm sống giữa trời Tây.
"Người dân tất bật chuẩn bị đón năm mới, phố xá tràn ngập hoa và biểu ngữ chào mừng. Đó cũng là lần đầu tôi biết đến bao lì xì, biết đi chùa đầu năm mới. Cái Tết này đã cho tôi thêm tự hào vì xuất thân từ mảnh đất này", Arjen Ijff chia sẻ.
Bên cạnh cuộc tìm kiếm cha mẹ ruột, ông vẫn còn một sứ mệnh nữa đó là hành trình đi tìm "Nguyễn Khánh Hưng" phiên bản Việt. "Tôi luôn cố gắng hợp nhất hai nửa con người mình, một điều rất khó. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ trở thành người Việt Nam, nhưng tôi muốn cố" - ông thổ lộ.
Arjen Ijff cũng đến Trung tâm lưu trữ tỉnh Vĩnh Long để tìm tư liệu về mình. "Nhưng phép màu đã không đến với tôi. Trong số 26 đứa trẻ mồ côi năm đó, chỉ có tư liệu của ba người mà không phải là tôi. Dù chưa có manh mối nào nhưng tôi tin mẹ ở đây. Nếu tìm được, tôi sẽ về sinh sống trên mảnh đất đã sinh ra tôi", Arjen Ijff nói thêm.
Không ai biết chắc cuộc tìm về cội nguồn của Arjen Ijff sẽ kéo dài trong bao lâu nữa. Cũng không ai có thể chắc chắn liệu hành trình của ông ấy có thể đem lại kết quả hay không. Nhưng ông nói mình sẽ tìm kiếm ở mọi ngóc ngách và sẽ tiếp tục kể câu chuyện của mình khi còn có thể.
Vẽ sen - tulip để đền đáp quá khứ
Tháng 9-2022, Jonathan Arjen Ijff tham gia cuộc thi thiết kế logo kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hà Lan (1973-2023) do Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hà Lan tổ chức. Logo sen - tulip của ông đã xuất sắc được chọn làm biểu tượng chung.
Arjen Ijff chia sẻ logo hoa mà ông thiết kế là lai giữa sen của Việt Nam và tulip của Hà Lan. Màu cam tượng trưng cho Hà Lan, đỏ cho Việt Nam và hồng là màu chung của hai loài hoa.
"Từ đầu tôi đã không kỳ vọng lắm vào kết quả cuộc thi. Nhưng sau đó tôi coi đây không phải một cuộc thi đơn thuần. Tôi tham gia là cách để kết nối với Việt Nam, để đền đáp quá khứ. Sen - tulip như hiện thân của chính tôi, một người Hà Lan gốc Việt. Ý tưởng của logo được định sẵn trong tôi như vậy", ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận