Một tiết học giáo dục cảm xúc cho trẻ em trong trường học ở Argentina - Ảnh: WC |
Giáo dục cảm xúc là một môn học giúp học sinh có tính tự ý thức (nhận ra cảm xúc của bản thân) và tính tự điều chỉnh (điều khiển cảm xúc cá nhân).
Một cuộc tranh luận đã được mở ra về việc có nên đưa giáo dục cảm xúc vào chương trình giảng dạy của các trường trên toàn quốc.
Cung cấp cho trẻ công cụ để thể hiện cảm xúc
“Chúng ta không được nói về việc này”, “Con trai không bao giờ khóc”, “Không có điều gì xảy ra cả”, “Đó là chuyện của người lớn”... Loại bỏ đi những suy nghĩ cũ kỹ nói trên là bước đầu tiên mà giáo dục cảm xúc hướng đến.
Có thể tự do nói về mọi thứ, có thể khóc khi cần thiết... sẽ cho trẻ em những công cụ để thể hiện cảm xúc; hiểu, biết quý trọng cảm xúc của chính mình và cảm xúc của người khác... là một xu hướng khác.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, lối suy nghĩ này đã trở nên ít phổ biến. Rất nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng giáo dục cảm xúc chỉ phù hợp với thế kỷ 19, 20 hơn, và không phản ánh đúng nhu cầu của giới trẻ trong thế kỷ 21.
Tuy nhiên, nhận định đó hoàn toàn sai lầm. “Chúng ta là những cá thể tích hợp. Nếu một cậu bé sống trong một môi trường bạo lực và cảm thấy hụt hẫng vì nó, cậu bé sẽ khó có thể tập trung cho việc học” - Cecilia Gomez, chuyên gia tâm lý và giáo dục ở Clarin, đã nói vậy.
Một cậu bé bị rối loạn tâm lý, hoặc bỏ học, hoặc có những rắc rối về hành vi... sẽ mang trong mình một giỏ đầy những cảm xúc thô. Đứa trẻ này cần giải tỏa cảm xúc. Nhưng bằng cách nào? Cung cấp cho trẻ em những công cụ cần thiết để chúng bắt kịp nhịp cảm xúc của chính mình, thể hiện cảm xúc và làm chủ những cảm xúc ấy chính là giáo dục cảm xúc.
“Khi học sinh gặp vấn đề về việc bày tỏ sự giận dữ, hoặc bị tê liệt cảm xúc thì việc cung cấp cho học sinh một số hướng mở cho cảm xúc là hết sức cần thiết” - Gomez nói.
Những hướng đi làm nên sự trưởng thành
Valentina Gelardi - chủ nhiệm dự án giáo dục cảm xúc cho Trường Anglo-German Konrad Lorenz ở tỉnh Mendoza, Argentina - nói: “Cần suy xét sự phát triển của con người một cách tổng thể trên các phương diện như: sinh học, tâm lý, cảm xúc và đời sống cộng đồng; thay vì theo cách truyền thống là chỉ dựa vào trí thông minh logic”.
Theo các chuyên gia giáo dục, những học sinh thông minh và nhiều cảm xúc thường hạnh phúc hơn, đầu tư cho việc học hơn, tự tin hơn, có mối quan hệ tốt hơn với các bạn cùng lứa và người lớn, so với các học sinh nghèo nàn về cảm xúc.
Tiến sĩ tâm lý Laura Oros và nhà nghiên cứu đến từ Đại học Adventist ở Plata, Entre Ríos nói: “Một số cảm xúc như vui vẻ, đồng cảm và biết ơn sẽ ngăn chặn hiệu quả các cuộc gây hấn, sự kỳ thị từ bạn bè. Khi những cảm xúc này không được phát triển đầy đủ vì nhiều nguyên nhân (như nghèo đói, bệnh tật, gia đình lục đục...), chúng vẫn có thể được xây dựng bằng sự can thiệp từ bên ngoài. Đó là qua giáo dục xúc cảm”.
Do nhiều chuyên gia giáo dục tâm huyết, những giáo viên giỏi nghề, nhiều nhà quản lý tích cực tuyên truyền nên khái niệm giáo dục cảm xúc đã được phổ biến đến đa số các trường học ở Argentina.
Theo tiến sĩ Oros: “Có nhiều giáo viên chủ động quyết định chiến thuật giúp giảm các cuộc xung đột trong lớp và làm tăng sự thích thú trong giờ học cho học sinh. Tuy nhiên, đa số họ đều dựa trên kinh nghiệm bản thân; và mặc dù thành công, họ không hoàn toàn nắm được lý thuyết của giáo dục cảm xúc. Hơn nữa, do việc đưa giáo dục cảm xúc vào học đường chưa chính thống nên các giáo viên gặp một số vướng mắc với các tình huống đa dạng hơn, phức tạp hơn...”.
Những khó khăn trên sẽ sớm được giải quyết khi giáo dục cảm xúc chính thức được đưa vào trường học. Tỉnh San Juan đang được trông đợi là địa phương đầu tiên ở Argentina có môn giáo dục cảm xúc được tích hợp vào chương trình giảng dạy.
Thành công liên quan đến cảm xúc trí tuệ Giáo dục cảm xúc là một hướng tiếp cận tâm lý có liên quan với khái niệm về cảm xúc trí tuệ, một khái niệm được phổ biến trên thế giới vào năm 1983, bởi chuyên gia phát triển tâm lý người Mỹ Howard Garmer với cuốn sách Frames of Mind: The Theory Of Multiple Intelligences. Sau đó khái niệm này được phát triển sâu hơn vào năm 1995 bởi chuyên gia tâm lý người Mỹ Daniel Goleman với cuốn sách nổi tiếng Emotional Intelligence: Why It Can Matter More Than IQ. Theo hai tác giả nói trên, sự thành công của một con người không chỉ dựa vào loại thông minh logic mà còn phụ thuộc vào cảm xúc trí tuệ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận