Phóng to |
Một người mẫu giới thiệu sản phẩm iPad thế hệ thứ ba tại một cửa hàng iStore ở Bangkok, Thái Lan - Ảnh: Reuters |
Ngày 28-4, báo New York Times đăng bài viết với tựa đề “Apple đã né hàng tỉ USD tiền thuế như thế nào?”, lật tẩy rõ chiến lược né thuế tinh vi của tập đoàn công nghệ số 1 thế giới tại Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Bài báo gây xôn xao dư luận tại Mỹ, đặc biệt nếu xét đến việc Apple sẽ đạt mức lợi nhuận kỷ lục 45,6 tỉ USD trong năm 2012.
Văn phòng nhỏ ở Reno
Theo New York Times, năm 2006 khi giá cổ phiếu Apple bắt đầu tăng vọt, các quan chức công ty đã đến TP nhỏ Reno, bang Nevada để thành lập một chi nhánh mang tên Braeburn Capital, có chức năng quản lý và đầu tư tiền mặt của hãng. Chi nhánh này chỉ có vài chục nhân viên. Tại sao lại là Reno? Mức thuế doanh nghiệp ở bang California, nơi Apple đặt trụ sở, là 8,84% nhưng ở Nevada chỉ là 0%.
Khi một khách hàng ở Mỹ mua một chiếc iPhone, iPad, máy tính iMac hoặc tải một bản nhạc từ iTunes, một phần lợi nhuận từ hợp đồng bán hàng đó được chuyển vào các tài khoản do Braeburn Capital quản lý. Sau đó, Braeburn Capital dùng số tiền này đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ tài chính khác. Và khi các khoản đầu tư này sinh ra lợi nhuận cho Apple, cơ quan thuế California không thể thu thuế của Apple bởi địa chỉ của Braeburn Capital là ở Nevada.
Kể từ khi thành lập Braeburn Capital, Apple đã kiếm hơn 2,5 tỉ USD từ tiền lãi và cổ tức thu được từ dự trữ tiền mặt và các khoản đầu tư tài chính toàn cầu. Ngoài ra, văn phòng Braeburn Capital còn giúp Apple né thuế ở các bang khác tại Mỹ như Florida, New Jersey, New Mexico... Nguyên nhân là bởi chính quyền các bang này có chính sách giảm thuế cho các công ty có hoạt động quản lý tài chính thực hiện ở nơi khác.
Ngoài Apple, hàng chục công ty khác từ Cisco, Harley-Davidson, Microsoft cũng thành lập chi nhánh ở Nevada để né thuế tại các bang khác. Hàng trăm doanh nghiệp khác tại Mỹ đã thiết lập văn phòng ở bang Delaware vì lý do tương tự. Thất thu thuế là một lý do quan trọng khiến bang California đang rơi vào khủng hoảng ngân sách, thiếu hụt 9,2 tỉ USD cho năm tài chính tới, phải cắt giảm hàng loạt chương trình phúc lợi xã hội.
Văn phòng của Apple ở Reno có chức năng giúp tập đoàn này tránh thuế các bang tại Mỹ. Và các chi nhánh của Apple tại nhiều nước trên thế giới thực hiện nhiệm vụ giúp Apple né thuế ở các quốc gia này.
* Nhịp Sống Số:
Chiến lược toàn cầu
Một trong các chi nhánh của Apple ở Luxembourg là iTunes S.à.r.L chỉ có vài chục nhân viên. Khi các khách hàng ở châu Âu, châu Phi, Trung Đông... tải một bản nhạc hoặc chương trình tivi từ iTunes, thương vụ bán hàng đó được ghi sổ tại Luxembourg. Năm 2011, doanh thu của iTunes S.à.r.L vượt ngưỡng 1 tỉ USD, bằng khoảng 20% doanh số iTunes toàn thế giới. Theo các quan chức Apple, Luxembourg có lợi thế rõ rệt về thuế.
Chính phủ Luxembourg cam kết chỉ thu thuế của Apple và các công ty công nghệ khác ở mức thấp nếu những tập đoàn này đưa các giao dịch qua Luxembourg. Như vậy, lẽ ra các khoản thuế Apple phải nộp cho chính phủ Anh, Mỹ, Pháp... lại đi vào ngân khố Luxembourg, đương nhiên với mức ưu đãi hơn rất nhiều. Nhưng Apple còn nhiều chiêu né thuế khác trên thị trường quốc tế, một trong số đó là chuyển lợi nhuận đến các nước ưu đãi thuế.
Từ thập niên 1980, Apple thành lập hai chi nhánh ở Ireland là Apple Operations International và Apple Sales International. Chính phủ Ireland ưu đãi thuế cho Apple, đổi lại hãng này phải tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Nhưng lợi ích thật sự ở đây là Apple có thể chuyển tiền thu được từ bản quyền các phần mềm phát triển ở California sang Ireland. Một phần lợi nhuận chỉ chịu mức thuế 12,5% của Chính phủ Ireland, thay vì mức 35% ở Mỹ. Qua chi nhánh Ireland, Apple cũng chuyển lợi nhuận sang các công ty không chịu thuế ở vùng Caribbean, đặc biệt là quần đảo Virgin - một “thiên đường trốn thuế”.
Hơn nữa, nhờ hiệp ước giữa Ireland và các quốc gia châu Âu, Apple tha hồ chuyển lợi nhuận qua Hà Lan mà không hề bị đánh thuế. Khoảng 70% trong tổng lợi nhuận toàn cầu 34,2 tỉ USD của Apple năm 2011 là từ nước ngoài. “Chiến lược do Apple và các tập đoàn khác thực hiện không chỉ giảm tối đa mức thuế họ phải đóng ở Mỹ, mà còn ở Pháp, Đức, Anh và nhiều nước khác” - giáo sư Edward Kleinbard thuộc Đại học Nam California nhận định.
Một bất lợi là nếu Apple muốn chuyển lại lợi nhuận về Mỹ, họ sẽ phải đóng thuế. Mới đây Apple, đang có 74 tỉ USD ở nước ngoài, đã liên minh với hàng chục công ty lớn khác để vận động Quốc hội Mỹ thông qua luật cho phép các tập đoàn chuyển tiền về nước mà không phải đóng thuế cao. Giới chuyên gia ước tính việc giảm thuế này có thể khiến Chính phủ Mỹ tổn thất 79 tỉ USD.
Nộp thuế gần 10% lợi nhuận Theo báo Huffington Post, ngày 17-4 Viện Greenlining, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở California (Mỹ), công bố báo cáo khẳng định Apple chỉ nộp thuế 3,3 tỉ USD, tương đương 9,8% tổng lợi nhuận toàn cầu 34,2 tỉ USD năm 2011. Các tập đoàn công nghệ khác cũng đóng mức thuế rất thấp: Amazon 3,5%, Xerox 7,3%, Google 11,9%, Yahoo 11,6%... Tính ra, Apple và các hãng công nghệ đóng mức thuế còn thấp hơn một gia đình Mỹ có thu nhập 42.500 USD/năm. Để so sánh, chuỗi siêu thị Wal-Mart đạt lợi nhuận 24,4 tỉ USD trong năm 2011 và đóng thuế 5,9 tỉ USD, tương đương 24,4%. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận