Hình ảnh từ ứng dụng cơm nhà của nhóm sinh viên - Ảnh: CTV
Buổi lễ trao giải vừa diễn ra vào tối qua 22-10 tại Khu công nghệ phần mềm, thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.
Vượt qua hàng trăm ý tưởng khởi nghiệp, dự án "Cơm nhà nha" của nhóm sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) và Đại học Fulbright Việt Nam - thiết kế một ứng dụng (app) kết nối những người có nhu cầu đặt cơm "nhà làm" với những người có khả năng nấu nướng - giành giải nhất chung cuộc.
Bạn Lê Trần Hải Yến - sinh viên Đại học Fulbright, thành viên dự án - chia sẻ trước khi bắt tay vào thực hiện dự án, nhóm nhận thấy trong cộng đồng sinh viên, nhiều bạn trẻ từ các vùng quê khác nhau trên cả nước đổ về thành phố lớn học tập, không ít bạn thường rất muốn ăn những bữa cơm gia đình.
Bên cạnh đó, trong các ứng dụng giao nhận đồ ăn hiện nay, chưa có app nào đi theo hướng chuyên về các món ăn đặc trưng mang hương vị vùng miền.
Hải Yến chia sẻ nhận thấy nhu cầu này, nhóm đã thiết kế một app có thể kết nối những người có nhu cầu ăn cơm nhà và những người có khả năng nấu những món ngon tương tự.
Người nấu ăn có thể là đầu bếp chuyên nghiệp hoặc là những bà nội trợ có đăng ký sử dụng ứng dụng. Trước khi quyết định có đặt hay không, khách hàng có thể xem tiểu sử và ảnh thực tế về các món ăn và không gian nhà bếp của họ.
Nhóm sinh viên giành giải nhất - Ảnh: HỒNG TẤN
Hiện dự án đang ở giai đoạn triển khai bước đầu tại hai trường đại học ở TP.HCM. App có thể kết nối và phục vụ nhu cầu của sinh viên trong bán kính 3km. "Thông qua dự án, chúng mình cũng hướng tới tạo thêm việc làm cho những bà nội trợ có thể nấu những món ăn mang hương vị quê hương", Yến nói.
Dự án "Cơm nhà nha" đã được các giám khảo trong cuộc thi CIC 2022 đánh giá cao. Ông Lê Yên Thanh - nhà sáng lập ứng dụng bản đồ xe buýt Bus Map - nhận xét dự án có thể mở rộng không chỉ cho đối tượng sinh viên, mà còn với các nhân viên văn phòng - những người cũng có nhu cầu thưởng thức "cơm nhà".
Ông đánh giá đây là một thị trường ngách khá tiềm năng hướng đến những người có nhu cầu thưởng thức những món ăn truyền thống, thân thuộc và ngon sạch.
Sau khi trở thành quán quân của cuộc thi khởi nghiệp CIC, ngoài các giải thưởng nhận được, dự án sẽ có thêm một gói ươm tạo trong một năm tại ITP trị giá 100 triệu đồng nhằm tiếp tục phát triển ứng dụng.
Các sinh viên thắng cuộc cũng được tạo điều kiện học tập tại Singapore, Hàn Quốc về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Hơn 300 ý tưởng dự thi trong năm 2022
CIC là cuộc thi khởi nghiệp thường niên của Đại học Quốc gia TP.HCM dành cho học sinh, sinh viên trên toàn quốc.
Năm nay, cuộc thi thu hút hơn 300 ý tưởng, giải pháp sáng tạo, dự án khởi nghiệp đến từ các trường đại học, cao đẳng, trường phổ thông. Theo thống kê từ ban tổ chức, CIC 2022 có tổng cộng hơn 700 thí sinh từ 215 trường học trên cả nước tham dự và tiếp cận hơn 705.000 học sinh, sinh viên.
Các thí sinh được huấn luyện trong hơn bảy tháng cùng các chuyên gia khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Sau bốn vòng thi, CIC chọn ra 21 dự án xuất sắc nhất của hai bảng sinh viên và học sinh vào vòng chung kết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận