Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự cuộc họp không chính thức các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) theo hình thức trực tuyến - Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tối 16-7 đã tham dự và phát biểu tại cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Việt Nam thể hiện trách nhiệm
Cuộc họp này diễn ra theo hình thức trực tuyến và được Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern triệu tập khẩn cấp cách đây chỉ... 5 ngày.
New Zealand - nước chủ nhà Hội nghị cấp cao APEC cuối năm nay - nhấn mạnh sự kiện gấp rút và chưa từng có tiền lệ này phản ánh nhu cầu cấp thiết trong việc đưa thế giới thoát khỏi khủng hoảng. APEC, với 21 thành viên và đại diện cho khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, đã gặp cú sốc kinh tế lớn vì COVID-19. Trong năm 2020, GDP của APEC suy giảm 1,9% và khoảng 81 triệu việc làm đã mất do đại dịch.
Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự cuộc họp không chính thức này vì vậy đã thể hiện tinh thần chủ động và trách nhiệm của Việt Nam. Trong năm 2021, Việt Nam đã phối hợp hết sức chặt chẽ với nước chủ nhà New Zealand cũng như các nền kinh tế thành viên APEC trong việc đóng góp ý tưởng vào các chương trình nghị sự chính của diễn đàn này.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhận định: "Việt Nam là một trong những nước đi đầu APEC kêu gọi các nền kinh tế phát triển hơn trong APEC tự nguyện chia sẻ về công nghệ, bảo đảm sự tiếp cận nhanh chóng, công bằng và với chi phí hợp lý về vắc xin. Việt Nam cũng hợp tác với các thành viên APEC trong hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm bảo đảm an sinh xã hội và tạo việc làm cho thanh niên".
Theo ông Vũ, chủ đề của hội nghị không chính thức ngày 16-7 cũng hết sức phù hợp với ưu tiên, mối quan tâm của Việt Nam và các nền kinh tế thành viên như kinh nghiệm ứng phó đại dịch, đặc biệt là vấn đề tiếp cận vắc xin, phục hồi kinh tế...
Gác bất đồng
Hãng tin Reuters cho biết cuộc họp APEC lần này bao gồm phần hỏi đáp "tương tác" và các lãnh đạo có thể đặt câu hỏi hoặc đưa ra bình luận. Đây là cách tổ chức khác lạ, vì trước đây các sự kiện kiểu này thường được lên kịch bản trước.
Báo chí New Zealand không quá khi đề cập tới nhiệm vụ "lịch sử" của Thủ tướng Jacinda Ardern: làm sao hóa giải bất đồng trong nội bộ APEC, đồng thời kêu gọi sự đoàn kết vì mục tiêu chung.
Trên thực tế, kỳ họp bất thường này là dịp để các bên đối thoại, tìm điểm chung và cũng là lúc họ phải giải quyết các bất đồng để nhìn về một hướng.
Lấy ví dụ, căng thẳng vẫn tồn tại giữa các nước phương Tây và Trung Quốc xung quanh chuyện nguồn gốc virus gây COVID-19, vấn đề thương mại, tình hình Tân Cương và Biển Đông. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dịp này thể hiện cam kết về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở. Còn phía bên kia, tờ Global Times của Trung Quốc khẳng định Washington đang biến cuộc họp APEC này thành đấu trường địa chính trị.
Không bỏ ai lại phía sau
Phát biểu tại cuộc họp ngày 16-7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thực tế ứng phó với dịch bệnh trong hơn một năm qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các nền kinh tế thành viên APEC.
Trong đó, nổi bật là sự đồng tình chung tay hành động của người dân và giữa các nền kinh tế thành viên trong triển khai các biện pháp chống dịch một cách tổng thể, khoa học, đa phương, bao trùm. "Chỉ còn một nền kinh tế/một người chưa an toàn về dịch thì chúng ta sẽ không thể hoàn toàn an toàn", Chủ tịch nước nói.
Tại cuộc họp, Chủ tịch nước đề xuất ba nội dung hợp tác, gồm: Nghiên cứu khả năng xây dựng một thỏa thuận tạm thời của APEC về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin COVID-19; duy trì chuỗi cung ứng trong các tình huống khẩn cấp; và thực hiện phương châm "không ai bị bỏ lại phía sau", trong đó triển khai nhanh các chương trình hợp tác, phối hợp chính sách về hỗ trợ nhóm yếu thế, nâng cao tính tự cường và năng lực thích ứng của các doanh nghiệp, và đào tạo, chuyển đổi kỹ năng cho người lao động, thu hẹp khoảng cách số giữa đô thị, nông thôn và người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận