Nếu không được điều trị kịp thời sẽ xuất hiện các túi mủ bao xung quanh chân răng, làm chết tủy dẫn đến các biến chứng như: mất răng, viêm tủy, viêm xương, viêm hạch, làm tiêu xương hàm...
Quá trình hình thành và tiến triển của áp xe răng
Nguyên nhân gây áp xe răng là do tủy răng bị tổn thương nhưng không được điều trị hay bệnh nha chu ở răng tiến triển lâu ngày. Tùy vào nguyên nhân nào nha sĩ sẽ phân biệt làm hai trường hợp áp xe là áp xe quanh chóp răng và áp xe nha chu.
- Áp xe quanh chóp răng
Có thể được hình thành từ một răng bị sâu nhưng không được điều trị, tiến triển gây hoại tử tủy; hoặc có thể do thể trạng kém, can thiệp quá mức vào vùng chóp trong điều trị tủy, chấn thương gây tổn thương chóp răng, tủy và các cấu trúc quanh chóp răng. Vi trùng xâm nhập sau một thời gian khu trú tại ống tủy sẽ vượt qua chóp răng gây nhiễm trùng các cấu trúc quanh chóp. Nhiễm trùng quanh chóp sẽ lan theo nhiều hướng và phát triển mạnh theo hướng có đề kháng ít nhất. Nhiễm trùng qua xương, đến vỏ xương làm bong vỏ xương tạo tổn thương dưới màng xương. Nếu tiếp tục di chuyển xuyên qua màng xương đến mô tế bào quanh hàm tùy theo vị trí giải phẫu của răng sẽ gây các biến chứng khác nhau: áp xe tạo túi mủ, có lỗ dò ở vị trí răng tổn thương, viêm mô tế tế bào lan tỏa vùng sàn miệng, ngách hành lang…
Ngoài ra, cũng có thể do sang thương tiến triển từ sang thương nha chu. Nhiễm khuẩn từ túi nha chu kết hợp làm mất bám dính và làm lộ chân răng, quá trình này tác động vào ống tủy phụ gây hoại tử tủy răng. Trong trường hợp bệnh nha chu nặng, nhiễm trùng tác động đến vùng chóp răng gây hoại tử tủy.
- Áp xe nha chu
Thường xuất phát từ những trường hợp như sự phá hủy mô nha chu do tác động của vi khuẩn đặc hiệu. Vi khuẩn hiện diện trong mảng bám, mảnh vụn thức ăn bị nhồi nhét trở nên hoạt động gây viêm, mất bám dính, hình thành túi nha chu. Vi khuẩn sẽ phát triển trong túi hình thành nên áp xe nha chu. Áp xe nha chu có thể là hậu quả của túi nha chu.
Chấn thương răng gây nứt, gãy răng: quá trình này gây kích thích khiến tủy răng bị hoại tử. Nguyên nhân khác, trong quá trình ăn nhai các cạnh sắc nhọn của răng sau khi bị nứt, gãy tác động làm tổn thương các cấu trúc quanh răng. Hoạt động này lặp lại cũng gây nên áp xe nha chu khu trú tại vùng răng tổn thương.
Dấu hiệu và biến chứng
Để hạn chế những biến chứng do bệnh áp xe răng mang lại, khi thấy các triệu chứng như: đau răng; nhai đau; nhạy đau, ê răng lúc nóng hoặc lạnh; vị đắng trong miệng; hơi thở hôi; có thể nóng, sốt; sưng hạch cổ; người không khỏe, mệt mỏi; hàm trên hoặc hàm dưới sưng; cắn chặt hoặc ngậm miệng chặt lại cũng làm đau nhiều hơn; nướu răng có thể sưng và đỏ và mủ đặc chảy ra… thì người bệnh nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa răng hàm mặt để được thăm khám, phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.
Bệnh áp xe răng nếu được điều trị sớm thì ít xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, biến chứng có thể xảy ra khi áp xe không được điều trị hoặc điều trị không triệt để:
- Viêm mô tế bào lan tỏa ngách hành lang, áp xe ở vòm miệng, ở sàn miệng (vi khuẩn từ một áp xe răng tấn công xuống hai bên vùng dưới lưỡi, dưới hàm và vùng dưới cằm; trường hợp nặng có thể bị tắc nghẽn đường hô hấp, gây ngạt thở dẫn đến tử vong).
- Áp xe ngoài mặt như: áp xe má và vùng dưới hàm, viêm tấy lan rộng sàn miệng, viêm tấy lan rộng hố thái dương.
- Tình trạng nhiễm trùng xoang hàm, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng (có thể xảy ra khi vi khuẩn từ một áp xe răng qua các mạch máu đến tim, gây nhiễm trùng và có thể đe dọa tính mạng), áp xe não (vi khuẩn có thể lây lan từ răng đến não thông qua các mạch máu, gây nhiễm trùng não và có thể dẫn đến hôn mê).
Điều trị và phòng ngừa
Tùy vào vị trí và nguyên nhân áp xe răng sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau. Nguyên tắc điều trị chung là loại bỏ ổ nhiễm trùng, điều trị nguyên nhân và bảo tồn răng, tránh các biến chứng.
- Điều trị cấp: chích rạch áp xe, làm kháng sinh đồ. Thuốc hỗ trợ điều trị: kháng sinh, kháng viêm, giảm đau kết hợp nâng cao thể trạng.
- Điều trị tiếp theo loại bỏ nguyên nhân như điều trị tủy, lấy vôi răng và xử lý mặt gốc răng, gắp mảnh răng vỡ. Trường hợp không thể điều trị bảo tồn phải tiến hành nhổ răng.
Để phòng ngừa áp xe răng, cần khám nha khoa định kỳ và lấy vôi răng 6 tháng/lần nhằm phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề về răng miệng; chải răng sau mỗi bữa ăn, chải răng đúng phương pháp, dùng chỉ nha khoa để làm sạch vùng kẽ răng; phục hồi các tổn thương như: trám các răng sâu, phục hình lại các răng mất, điều chỉnh các răng lệch lạc…
Ngoài ra, cần tránh chế độ ăn mất cân đối làm khiếm khuyết vitamin và muối khoáng; bổ sung nhiều nước để tránh khô miệng. Nếu bị khô miệng hãy ăn kẹo không đường hoặc các loại chewing-gum không đường để kích thích việc tiết nước bọt. Hạn chế những thức ăn dễ gây sâu răng: có chất bám dính, ngọt, dẻo…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận