Ngày 17-10, hội thảo công bố báo cáo đánh giá tác động kinh tế của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức.
Ngành thu hẹp sản xuất, nền kinh tế chịu tác động?
Theo bà Nguyễn Minh Thảo - trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được xây dựng nhưng chưa đánh giá đầy đủ các tác động kinh tế.
Trong khi đó, dự thảo đưa ra quy định nước giải khát có đường sẽ áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, với lý do đây là mặt hàng tác động đến sức khỏe con người, góp phần gây nên tình trạng thừa cân béo phì.
Qua nghiên cứu và đánh giá tác động được CIEM chỉ ra, việc đánh thuế sẽ khiến quy mô ngành nước giải khát bị thu hẹp đáng kể, với giá trị tăng thêm giảm 5.650 tỉ đồng và giá trị sản xuất giảm 5.524 tỉ đồng.
Đánh giá tác động gián tiếp tới 24 ngành trong nền kinh tế khi áp thuế sẽ làm giá trị sản xuất giảm hơn 55.500 tỉ đồng và giá trị tăng thêm giảm 51.077 tỉ đồng. Từ đó, GDP của toàn nền kinh tế giảm 0,448%, tương đương 42.570 tỉ đồng.
Việc áp thuế giúp nguồn thu ngân sách tăng, đặc biệt là ở năm đầu tiên. Bao gồm thuế gián thu tăng 8.500 tỉ đồng, nhưng thuế trực thu (thuế thu nhập doanh nghiệp) lại giảm 2.152 tỉ đồng. Song ở những chu kỳ sau (từ năm thứ 2 tính thuế), thuế gián thu sẽ giảm ở mức 0,496%, tương đương gần 5.000 tỉ đồng.
Đối với doanh nghiệp, do thu hẹp sản xuất khiến cho khấu hao tài sản giảm 0,654%, tương đương 7,767 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 0,561%, tương đương 8.773 tỉ đồng. Người lao động trong doanh nghiệp giảm 0,031%, tương đương mất đi giá trị là 1.994 tỉ đồng và thu nhập của người lao động giảm 0,60%, tương đương hơn 69.000 tỉ đồng.
Cần có bằng chứng khoa học
Theo bà Thảo, chưa nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt nước giải khát có đường nếu chưa được đánh giá toàn diện tác động khoa học. Nếu đủ luận chứng khoa học, đã được kiểm chứng về ảnh hưởng của nước giải khát có đường tới tình trạng thừa cân béo phì, cần sử dụng định nghĩa nước giải khát có đường theo thông lệ quốc tế; lựa chọn phương án thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp là 5%, không tác động lớn đến nền kinh tế.
Còn Phó trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà cho rằng việc áp thuế cần hướng tới điều tiết hành vi của người tiêu dùng hơn là tăng thu ngân sách. Do đó cần có các bằng chứng khoa học xác thực hơn nữa về tác động của nước giải khát có đường tới tình trạng thừa cân, béo phì để làm căn cứ đánh thuế.
"Nếu tăng thuế thì nguồn thu được sử dụng như thế nào, sẽ bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng ra sao? Cần thêm ý kiến cơ quan y tế về việc sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người" - bà Hà đề nghị.
Theo Phó trưởng Ban Dân nguyện, việc áp thuế nước giải khát có đường thực chất là điều chỉnh lượng đường đưa vào cơ thể cho hợp lý chứ không làm giảm thừa cân béo phì. Do đó cần bổ sung thêm đánh giá tác động tới sức khỏe, bởi đây là vấn đề rất được quan tâm nhưng dự thảo lại thiếu đánh giá về y tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận