Phóng to |
Nhiều căn nhà kiên cố được cất từ ý chí làm giàu của người dân ấp Nhà Lầu 1 - Ảnh: TẤN ĐỨC |
Cái tên gây thắc mắc này kéo dài từ 15 năm trước ngược về hồi lâu lắc, khoảng năm 1945. Đó là giữa vùng đồng không mông quạnh, dân độn trâu (giữ trâu thuê mùa nước nổi) nghe nói có xóm nhà lầu, xắn quần lội vô coi nhưng tìm hoài chỉ thấy toàn nhà tre vách lá.
Tức mình, có người hỏi mấy lão nông mới té ra: “Ngày xa xưa, trong xóm có một căn nhà gác gỗ của ông Cả Trí, dân xứ khác, tới khai hoang. Nghe đâu hồi Cách mạng Tháng Tám, ngôi nhà đã được tháo ra lấy cột cắm xuống lòng kênh Phó Sinh - Cạnh Đền chạy ngang qua làng để ngăn tàu Tây”.
Bởi vậy sau này không còn căn nhà lầu nào, nhưng địa danh ấp Nhà Lầu hữu danh vô thực vẫn tồn tại suốt mấy chục năm trong tiếc nuối của người dân địa phương và gây tò mò cho người xứ khác.
Kiếm cho ra cái nhà lầu
Và cái tên ấp Nhà Lầu ấy chắc sẽ còn cắc cớ hoài, nếu không có một thanh niên địa phương tức mình tuyên bố: “Phải tính cách làm giàu, cất cho được cái nhà lầu, chớ không thì thiên hạ coi dân ấp Nhà Lầu này ra gì”. Để rồi không chỉ một, mà có tới cả trăm triệu phú, tỉ phú ào ạt xuất hiện trên vùng đất một thời được mệnh danh là “xứ độn trâu”, là “đồng chó ngáp”.
Người thanh niên đó bây giờ đã bước qua tuổi 56 - ông Lê Văn Nguyên (Năm Nguyên), ngụ ấp Nhà Lầu 1. Bên vuông tôm làm nên sản nghiệp, ông Năm Nguyên nhớ lại: “20 năm trước vùng này còn là cánh đồng hoang. Mấy tháng mùa lũ nước lêu bêu, dân sống bằng nghề giữ trâu thuê. Mùa khô nước mặn tràn vô, phèn dậy đỏ nước”. Những năm 1980, tuổi thanh niên của ông Năm trôi qua trên chiếc ghe thương hồ mua bán hàng tạp hóa.
“Một lần, đâu khoảng cuối năm 1985, khi chèo ngang Đại Ngãi (Sóc Trăng), tui nhìn thấy căn nhà gác gỗ của đôi vợ chồng cất cặp mé sông mà thèm nhỏ nước miếng. Nghĩ thấy tủi, mang tiếng ở ấp “nhà lầu” mà mãi tới gần ba mươi tuổi mới biết mặt mũi cái nhà lầu nó ra làm sao. Càng nghĩ tui càng quyết tâm phải tính cách làm ăn cho khấm khá, cất nhà lầu ngay tại xóm” - ông Năm kể.
Vậy là đi đâu, thấy người ta làm gì ông Năm cũng để ý học hỏi. Rồi ông mua mấy chục cây bạch đàn giống về trồng sau nhà, với ý định nếu trong mười năm tới không làm gì thành công thì đốn bạch đàn cất nhà lầu giống như nhà ông Cả Trí ngày xưa được cha ông kể.
Một dịp tình cờ, ông Năm nghe người ta nói dân vùng ven biển nuôi tôm sú có lãi lắm. Ông về bàn với hai người em là ông Bảy Tây và ông Tám Miên bán đồ đạc trong nhà, hùn tiền lại kéo nhau đến Cái Đôi Vàm (Cà Mau) nuôi tôm.
Sau mấy vụ đầu bết bát, không nản chí, anh em ông Năm đã biết cách dùng vôi bột “dằn phèn” cho ổn định, trồng cây năng tạo lớp mùn hữu cơ làm thức ăn và chỗ trú ngụ cho tôm. Tháng 9-1995, tròn mười năm sau ngày vạch mục tiêu “nhà lầu”, ông Năm đã cất xong căn nhà hai tầng bề ngang 6m, dài gần 20m, tốn hơn 40 lượng vàng.
Đây cũng là căn nhà lầu kiên cố đầu tiên của xã, sau 50 năm kể từ lúc căn nhà lầu bằng gỗ định danh cho ấp Nhà Lầu bị tháo dỡ.
Năm 1996, tới lượt ông Bảy Tây cất thêm một căn nhà lầu. Rồi lần lượt cả chục, cả trăm căn nhà kiên cố với chi phí lên tới cả tỉ đồng/căn xuất hiện nhờ nguồn thu từ việc nuôi tôm quảng canh, dọc đường liên ấp Nhà Lầu 1 - Nhà Lầu 2. Mọi người thở phào không còn lo ấp Nhà Lầu bị thu hồi “danh hiệu” nữa!
Nông dân đổi đời
Thu nhập bạc tỉ là chuyện thường Khảo sát mới đây của UBND xã Ninh Thạnh Lợi A đã đưa ra những con số ấn tượng: trong 2.000 hộ dân có tới 500 hộ giàu, 698 hộ khá, trên 100 hộ có thu nhập hơn 1 tỉ đồng/năm. “Nhiều mô hình cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, thậm chí đến vài tỉ đồng/năm đã được nông dân trong xã thi đua áp dụng như nuôi cá chình, cá bống tượng, cá sấu; nuôi tôm, cua, cá kết hợp; nuôi tôm dưới chân cây lúa một bụi đỏ... Thật xứng danh là ấp “nhà lầu” có từ mấy chục năm trước” - ông Nguyễn Hồng Thái, bí thư Đảng ủy xã Ninh Thạnh Lợi A, nói. |
Năm 1997, ông khởi nghiệp với 5.000m2 đất trồng khóm do cha mẹ vợ chia cho. Làm ban ngày chưa đủ, đêm ông đi soi cá dọc các con kênh ngang trong ấp. Vừa làm ông vừa tích cóp để có ít vốn thuê máy Kobe móc vuông, san liếp, xử lý phèn trên phần đất ít ỏi của mình nhằm chuyển qua nuôi tôm sú.
Qua hơn mười năm, vợ chồng ông đã cất được căn biệt thự cả tỉ đồng và mua thêm hơn 14ha đất. Với mô hình tôm cua cá kết hợp, năm nay gia đình ông Lập đã thu lãi hơn 700 triệu đồng.
Đặc biệt, dù nuôi trên diện tích khá lớn nhưng ông Lập không phải mất nhiều thời gian chăm sóc tôm, cá. Bởi nuôi quảng canh không cần phải cho ăn, tới thời điểm thu hoạch ông chỉ cần đặt vài cái lú (dụng cụ bắt tôm), lọp (bắt cua, cá) trong vuông nuôi.
Mỗi sáng sớm, ông Lập chỉ cần mất chưa đầy một giờ để thăm qua một lượt, bắt tôm cá lên cân cho lái tới mua tận nhà là xong. Thời gian còn lại trong ngày, ông dành hết cho việc đi gặp dân vận động chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai của từng người. “Thằng Lập làm rất giỏi nên nói gì bà con cũng nghe” - ông Phạm Văn Bảo (Năm Bảo, 82 tuổi), “vua” độn trâu một thời, cũng là nông dân sản xuất giỏi ở ấp Nhà Lầu 1, nhận xét.
Không chỉ có ông Nguyễn Thành Lập, hầu hết người dân, cán bộ của năm ấp trong toàn xã Ninh Thạnh Lợi A, rồi chủ tịch, phó chủ tịch hội nông dân và nhiều cán bộ chủ chốt của xã cũng là những người có kinh nghiệm cả chục năm vừa làm việc cơ quan, vừa tranh thủ thời gian tăng gia sản xuất tại nhà. Thậm chí có nhiều người còn là nông dân giỏi trước khi là cán bộ ấp, xã. Nhiều người trong số họ đã phấn đấu từ nghèo khó vươn lên khá giàu.
“Đó là một lợi thế vì có làm giỏi hơn dân thì nói dân mới nghe. Mặt khác, khi cán bộ đã có đời sống kinh tế ổn định sẽ an tâm, tập trung hết công sức cho việc cơ quan” - ông Nguyễn Hồng Thái, bí thư Đảng ủy xã Ninh Thạnh Lợi A, lý giải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận