04/07/2012 05:48 GMT+7

Áp lực cho con trẻ

NGÔ MAI
NGÔ MAI

TT - Sáng 29-6, cũng như nhiều phụ huynh khác, tôi đưa con đến dự thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Mới 6g30 nhưng trước cổng trường đã rất đông học sinh và phụ huynh với không khí thật vội vã, những ánh mắt lo âu đan xen hi vọng, những tiếng lẩm bẩm cầu may của cả người thi lẫn người đợi.

Một phụ huynh nhanh chân đưa con bước vào cổng, chị xoa đầu con dặn dò gì đó rồi không quên nhắc nhở: “Nhớ mang vinh quang về cho mẹ, con nhé”. Cậu bé gãi đầu rồi buông giọng ỉu xìu “Con biết rồi, con sẽ cố gắng”. Một phụ huynh khác: “Ba mẹ đã tốn bao nhiêu công sức và tiền bạc để cho con ôn luyện rồi đó, cố làm bài cho đậu nghe con!”. Một phụ huynh treo thưởng: “Nếu con thi đậu thì thích gì ba mẹ cũng chiều”... Điều đó cho thấy rằng nhiều phụ huynh đặt nhiều hi vọng và cũng tạo ra nhiều áp lực cho con mình trong kỳ thi này.

Những động viên, nhắc nhở, khuyến khích, treo thưởng, thậm chí là “dọa”, gây áp lực cho con trước khi vào phòng thi đã trở nên quen thuộc ở mỗi kỳ thi. Và sau mỗi kỳ thi, trạng thái vui - buồn, vinh quang và nước mắt cũng thường xuất hiện. Nếu trúng tuyển thì ai cũng hân hoan vì con em mình đã đem vinh quang cho gia đình, dòng họ. Ngược lại, nếu con em mình không thi đậu thì rõ ràng đó là một nỗi buồn khó tả.

Thú thật tôi cũng hi vọng con mình đạt được kết quả như ý trong kỳ thi này nhưng tôi biết sẽ rất khó cho cháu, bởi cháu đã trải qua năm năm học tiểu học tại “trường làng”, trước khi đi thi cũng không theo học luyện thi. Hơn nữa, nhìn vào con số 1 chọi 11 của kỳ thi này là có thể “an tâm” bởi xác suất rớt nhiều hơn đậu. Do vậy, cả vợ chồng tôi đã làm công tác tư tưởng để thoải mái về tâm lý nếu cháu thi rớt.

Xã hội luôn cần người tài và phụ huynh luôn mong muốn con em mình học giỏi, có tài, có đức. Do vậy, nhiều phụ huynh đã không tiếc tiền của, công sức đầu tư con em mình học hành bài bản, đến nơi đến chốn, tốt nhất là ở những ngôi trường danh tiếng. Đó cũng là một trong những lý do mà cuộc đua vào trường chuyên, lớp chọn luôn gay gắt mỗi dịp hè về và thậm chí có phụ huynh còn chạy trường cho con.

Có nhiều tiêu chí được đưa ra để so sánh nhưng có lẽ yếu tố bằng cấp là điều dễ nhận biết nhất: bằng cấp cao hoặc tốt nghiệp ở trường danh tiếng luôn được đánh giá cao hơn. Chính vì vậy, khi nào xã hội còn tồn tại “cuộc đua” về mặt bằng cấp thì trong các bậc cha mẹ còn xuất hiện tâm lý trường chuyên, lớp chọn, dù cho điều đó đã tạo ra những áp lực học tập cho trẻ mà không cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khả năng học tập của con em mình.

NGÔ MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên