26/04/2013 06:50 GMT+7

Áp lực cạnh tranh "đè" doanh nghiệp nội

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TT - Dù không bị “bóp chết” như lo ngại của nhiều chuyên gia, nhưng sau năm năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ nội địa cũng bắt đầu cảm nhận áp lực cạnh tranh từ các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng đè nặng.

KLlfyyNN.jpgPhóng to
Chọn lựa sản phẩm hàng bình ổn thị trường tại siêu thị Co.op Hòa Bình, Q.Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: THANH ĐẠM

Doanh nghiệp trong nước vẫn áp đảo về số lượng cửa hàng, mặt bằng hiện diện, tuy nhiên lại lép vế về sự chuyên nghiệp, kinh nghiệm, công nghệ, quản lý. Nhiều nhà kinh doanh thừa nhận với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, phong cách văn minh, hiện đại trong bán lẻ VN được hình thành rõ hơn.

Nội áp đảo số lượng

Nếu xét về số lượng nhà bán lẻ trong nước, hiện nay hệ thống siêu thị Co.op Mart dẫn đầu với 61 siêu thị, 55 cửa hàng thực phẩm Co.op Food, trên 100 cửa hàng Co.op. Theo ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, kế hoạch trong năm nay Co.op Mart sẽ mở thêm 8-10 siêu thị và phấn đấu đạt 100 siêu thị đến năm 2015. Một siêu thị khác của VN là Vinatexmart đã có 81 siêu thị, cửa hàng chuyên doanh thời trang trên hơn 20 tỉnh thành. Hệ thống Citimart từ khi thay đổi chiến lược kinh doanh tập trung vào mô hình siêu thị mini đã nhanh chóng có 27 điểm bán chủ yếu nằm trong các tòa nhà, khu chung cư, trung tâm thương mại...

Trong khi đó, hệ thống bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài năm qua cũng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng không nhiều như doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, Big C (Pháp) có 22 siêu thị, chưa kể đến 10 cửa hàng tiện lợi của chuỗi hệ thống Big C Express và New Chợ, Metro Cash & Carry (Đức) với 19 trung tâm bán sỉ, Familymart (Nhật) 37 điểm bán...

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá với thực tế bán lẻ hiện đại chỉ chiếm khoảng 20% tổng thị trường bán lẻ cả nước, cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ mở rộng mạng lưới, tăng độ phủ còn rất lớn.

Khác với sự linh hoạt về quy mô diện tích hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp trong nước, các nhà bán lẻ nước ngoài thường đầu tư những siêu thị lớn, đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng với diện tích có thể lên 8.000-10.000m2. “Nhà bán lẻ nước ngoài bị ràng buộc trong ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế) khi mở điểm bán lẻ thứ hai nên thường đầu tư những đại siêu thị, quy mô lớn, nhiều mặt hàng, hệ thống hậu cần quy củ” - giám đốc một siêu thị nước ngoài cho biết.

Theo ông Laurent Zecri, tổng giám đốc Big C, cho dù kinh tế thế giới khó khăn nhưng bán lẻ VN vẫn rất hấp dẫn và Big C tiếp tục đầu tư, tìm kiếm mặt bằng mở rộng mạng lưới tại VN, trong đó tập trung vào những đại siêu thị.

Đẩy nhanh tốc độ mở cửa hàng để hình thành chuỗi cửa hàng cũng là biện pháp tăng cường tính cạnh tranh, nhưng theo ông Trần Thanh Nhàn, phó tổng giám đốc hệ thống Vinatexmart, số lượng siêu thị chưa phản ánh hết sức ảnh hưởng của nhà bán lẻ trên thị trường. Mỗi hệ thống có một chiến lược riêng, dựa trên tiềm năng nhà cung cấp, khả năng kiểm soát hệ thống và tính toán riêng. “Các doanh nghiệp nước ngoài có những lợi thế về kinh nghiệm quản trị, hệ thống logistic lẫn sự chuyên nghiệp, đó là những lợi thế mà doanh nghiệp trong nước khó có được” - ông Nhàn nhận định.

Ngoại nhỉnh hơn về “chất”

Sự xuất hiện của các nhà bán lẻ quốc tế đã tạo một sức ép, buộc nhà bán lẻ trong nước phải tự làm mới mình, thay đổi diện mạo. Gần đây, một số nhà bán lẻ trong nước như Vinatexmart, Saigon Co.op hay Citimart đã thực hiện việc thay đổi nhận diện thương hiệu, chiến lược kinh doanh mà theo ông Trần Thanh Nhàn, quá trình này kéo theo sự đổi mới bên trong từ cách sắp xếp, trưng bày, quản lý hàng hóa đến dịch vụ chăm sóc khách hàng, hậu mãi... theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, chủ đầu tư hệ thống siêu thị Citimart, nói điều thấy rõ nhất những năm gần đây là ngành bán lẻ không còn “hữu xạ tự nhiên hương”. “Trước đây, nhà kinh doanh trong nước cho rằng chỉ cần có chính sách hàng hóa tốt, giá cả chấp nhận được thì sẽ hút khách. Nhưng bây giờ như vậy là thua, các nhà bán lẻ nước ngoài đã cho thấy chương trình khuyến mãi, cách thức tiếp cận người tiêu dùng khá linh hoạt, năng động. Họ khai thác nguồn hàng linh hoạt với chi phí thấp và cạnh tranh, chương trình hoạt náo, bán hàng rất thu hút khách, tăng doanh số cao, rất đáng để các siêu thị trong nước học tập” - bà Hoa nói.

Theo ông Phan Đức Bình, tổng giám đốc tập đoàn bán lẻ Ocean, với trình độ quản lý, tiềm lực tài chính và tốc độ mở điểm mới của các nhà bán lẻ nước ngoài hiện nay, về đường dài doanh nghiệp trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn. “Nhà bán lẻ trong nước gần như phải tự bơi trong cuộc cạnh tranh này, mỗi khi mở một điểm mới chúng tôi luôn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng và gần như không nhận được hỗ trợ gì” - ông Bình nói. Nhiều nhà bán lẻ trong nước đã thua tức tưởi trong cuộc chạy đua giành mặt bằng với nhà bán lẻ nước ngoài vì yếu thế về tài chính lẫn “kinh nghiệm đàm phán”.

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng thị trường bán lẻ VN mới thật sự khốc liệt từ năm 2012, khi lộ trình cam kết của VN trong WTO đối với lĩnh vực bán lẻ gần như kết thúc sau nhiều năm ràng buộc tỉ lệ sở hữu. Các nhà phân phối có vốn đầu tư nước ngoài được phân phối tất cả các sản phẩm sản xuất tại VN và nhập khẩu hợp pháp vào VN.

Điều này thể hiện rõ nhất khi giữa năm 2012, Tập đoàn Lotte chuyển thành công ty 100% vốn nước ngoài sau khi mua lại 20% cổ phần của đối tác VN, đồng thời nhà đầu tư này tiếp tục điều chỉnh tăng vốn để mở rộng sản xuất từ 65 triệu USD lên 115 triệu USD. Theo kế hoạch, cuối năm nay Lotte sẽ xuất hiện tại Bình Dương và Bình Thuận, nâng tổng số siêu thị hiện có tại VN lên con số sáu. Nhà bán lẻ Hàn Quốc này cũng đặt mục tiêu mở 60 siêu thị thay cho 30 cái như ban đầu đến năm 2020, điều này khá bất ngờ khi Lotte rất chật vật lúc mới vào VN.

Thêm nhiều nhà bán lẻ nước ngoài mới

Sau khi gia nhập WTO, VN được kỳ vọng là điểm đến của nhiều tập đoàn bán lẻ trên thế giới, mang theo những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, nhưng đến nay chỉ có thêm một vài gương mặt mới, chủ yếu đến từ Nhật Bản như Aeon, Familymart, Takashimaya... Đáng lưu ý, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) trong năm 2012 công bố triển khai hai dự án tại VN với số vốn đầu tư xấp xỉ 100 triệu USD mỗi dự án.

Bộ Công thương nhận định bán lẻ vẫn là một trong những ngành thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Khoảng trống cho các nhà đầu tư mới còn rất lớn, bên cạnh các cam kết đầu tư của những nhà bán lẻ hiện hữu, một số tập đoàn đa dạng hóa mô hình kinh doanh cũng nhảy vào thị trường bán lẻ.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên