Thị trường chứng khoán liên tục giảm sâu và chưa tìm thấy đáy - Ảnh: BÔNG MAI
Ngay khi mở phiên giao dịch chứng khoán hôm nay thị trường lao dốc mạnh, kết phiên sáng với mức giảm tới 31 điểm. Tuy nhiên, ở phiên chiều tình hình còn diễn ra tệ hơn, có lúc chỉ số VN-Index giảm tới 50 điểm.
Trong đó, top 10 cổ phiếu gây áp lực lớn khiến chỉ số đại diện của sàn chứng khoán TP.HCM bị giảm mạnh, lần lượt rơi vào các mã: MSN (Masan), CTG (VietinBank), VPB (VPBank), BID (BIDV), NVL (Novaland), GAS (PetroVietnam Gas), VCB (Vietcombank), TCB (Techcombank), VNM (Vinamilk) và HPG (Hòa Phát).
Ở chiều ngược lại, lác đác một vài cổ phiếu vẫn giữ được đà tăng trưởng gồm LGC (Đầu tư Cầu đường CII), SHI (Quốc tế Sơn Hà), CKG (Tập đoàn Tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang), PND (Cảng Đồng Nai)...
Trong phiên, nhóm cổ phiếu thép và chứng khoán chịu áp lực lớn nhất với mức giảm hơn 3%. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng với thanh khoản 7 tỉ đồng, tập trung bán cổ phiếu HPG (Hòa Phát), STB (Sacombank) và HSG (Hoa Sen).
Với việc mã HPG bị giảm sàn xuống chỉ còn 12.100 đồng/cổ phiếu, tức "bốc hơi" hơn 78% trong vòng một năm nay, theo dữ liệu cập nhật thời gian thực của Forbes, ông Trần Đình Long - chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - cũng không còn nằm trong danh sách tỉ phú USD thế giới. Cụ thể, khối tài sản của ông Long nằm ở mức 938,1 triệu USD, tương đương giảm gần 2,3 tỉ USD trong vòng 8 tháng nay.
Lực bán chủ động liên tục gia tăng khiến toàn thị trường có tổng cộng 308 mã bị chứng khoán giảm sàn. Khép phiên, chỉ số VN-Index rút ngắn được phần nào đà lao dốc, chính thức mất 38,35 điểm (-3,89%) xuống 947,24 điểm. Ở sàn HNX và sàn UpCOM cũng đóng cửa với mức giảm lần lượt 9 điểm (-4,47%) xuống 192,39 điểm và rớt 3,4 điểm (-4,71%) lùi về 68,8 điểm. Tổng thanh khoản trên ba sàn chính đạt hơn 12.145 tỉ đồng.
"Tâm lý nhà đầu tư vẫn đang rất tiêu cực và VN-Index chưa thể hình thành đáy trung hạn", đội ngũ phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định sau khi kết thúc phiên giao dịch hôm nay.
Thông qua góc nhìn kỹ thuật, VCBS cho rằng vùng điểm 900 sẽ là mốc tiếp theo mà VN-Index có thể hướng đến. Vì vậy, nhà đầu tư cần tiếp tục đứng ngoài quan sát thị trường đến khi lực cầu xuất hiện cho tín hiệu, chuyển biến tích cực hơn.
Đội ngũ phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá: "Áp lực “giải chấp” vẫn còn tồn đọng tại nhiều cổ phiếu, điều này sẽ gây sức ép giảm điểm đối với thị trường khi bước vào phiên giao dịch tiếp theo và dẫn đến trạng thái quá bán trên thị trường".
Theo đó, nếu dòng tiền có thể giúp thị trường ổn định trở lại và thoát trạng thái quá bán thì thị trường có thể hồi phục ngắn hạn.
Dù vậy, trong bối cảnh này nhà đầu tư tạm thời vẫn cần thận trọng trước áp lực bán đang tiếp diễn và cần quan sát kỹ động thái của dòng tiền hỗ trợ để đánh giá trạng thái thị trường.
Tràn lan tin đồn về hai sở giao dịch chứng khoán
Hôm nay giới đầu tư chứng khoán cũng không khỏi lo lắng khi xuất hiện tin đồn về việc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) của Việt Nam không còn có tên trong danh sách thành viên liên minh Sở Giao dịch chứng khoán thế giới (WFE).
Sau khi tin này phát tán, HoSE lập tức lên tiếng giải thích. Cụ thể, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) đã được thành lập theo mô hình mẹ - con trên cơ sở sắp xếp lại HoSE và HNX. Dựa vào quy định hiện hành, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ là đầu mối tham gia làm thành viên các hiệp hội, tổ chức quốc tế, trong đó có Sở Giao dịch chứng khoán thế giới.
"Hiện nay, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đang trong quá trình nhận chuyển giao tư cách thành viên của WFE từ HoSE và thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết để chính thức trở thành thành viên của WFE.
Việc trở thành thành viên của WFE là một phần trong kế hoạch hội nhập của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam nhằm nâng cao chuẩn mực trên thị trường, thu hút hiệu quả nhà đầu tư nước ngoài", cơ quan quản lý thị trường chứng khoán chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận